Bạch biển đậu – món ăn bổ dưỡng, vị thuốc tuyệt vời!

Cây bạch biển đậu.

Bạch biển đậu (thường gọi là đậu ván trắng) được trồng ở nhiều nơi để làm thức ăn và làm thuốc. Trong sách “Lĩnh Nam bản thảo” (quyển thượng) của Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi: Bạch biển đậu là đậu ván trắng; ngọt, mát, lành, điều hòa các tạng; có tác dụng thuận phong, giải nắng, mạnh từ kinh; chữa hắc loạn, thổ, tiêu độc…

Thành phần bạch biển đậu:

  • Giá trị dinh dưỡng của bạch biển đậu rất cao. Qua phân tích người ta thấy trong hạt bạch biển đậu chứa một tỷ lệ protid cao tới 22,7%, nghĩa là nhiều hơn cả thịt lợn nạc (19%) và thịt bê nạc (20%), 1,8% chất béo, 57% cacbon hydrat, 0,046% canxi, 0,052% photpho, 0,001% sắt. Trong protein của Bạch biển đậu có nhiều loại axit amin như trytophan, acginin, lyzin và tyrozin…Lượng tinh bột có trong bạch biển đậu cũng nhiều tới 57%, tương đương với nhiều loại lương thực thường dùng.
  • Ngoài ra bạch biển đậu còn là nguồn vitamin phong phú B1, B2, B3, B9, A, C…, và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như đường, chất béo, chất đạm, Canxi, Magiê, Mangan, Photpho, Kali, Kẽm…
  • Lưu ý: Trong hạt đậu ván khô có chứa độc tố glucozit dưới dạng xyanua với nồng độ cao, do đó chỉ ăn được sau khi luộc hoặc nấu hạt đậu trong một thời gian dài để nhiệt phân hủy độc tố. Cần luộc hạt già và đổ bỏ nước trước khi dùng để nấu món ăn.

Tính vị, công dụng các bộ phận cây bạch biển đậu:

  • Hạt đậu ván trắng theo y học cổ truyền có vị ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng bồi bổ tỳ vị, giải nhiệt, giải độc, điều trị phiền khát, huyết trắng, kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, khó tiêu và đau bụng nôn mửa…
  • Quả non đậu ván trắng là món ăn giàu chất bổ, quả già cho hạt làm thuốc. Trong y học cổ truyền đậu nhân có vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, vào hai kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh vị. Có tác dụng kiện tỳ, hòa trung, trừ thấp và giải độc dùng làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, trẻ em cam tích, sốt cao, co giật, thuốc giải nhiệt giải độc. Kiêng kỵ: người tỳ vị hư hàn, bụng đầy nên thận trọng khi sử dụng.
Cây bạch biển đậu.
Cây bạch biển đậu.
  • Biển đậu y (còn gọi là Biển đậu bì): là vỏ hạt đậu ván trắng. Sách An Huy dược tài viết, có tác dụng kiện tỳ hóa thấp; dùng chữa các bệnh lị, tiêu chảy, cước khí phù thũng, giải độc thức ăn và say rượu.
  • Lá bạch biển đậu: Có nhiều xanthophyl và nhiều carotene (trên 10mg%). Vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Để chữa cảm nắng, mệt mỏi, khát nước, nhất là sau khi làm việc dưới trời nắng, lấy 1 nắm lá đậu ván trắng và lá hương nhu phơi khô nấu nước uống. Trong trường hợp bị ngộ độc, lấy 20g hạt đậu ván trắng giã nát hòa với nước gạn cho uống. Lá hoặc quả đậu ván trắng với lá khế, lá lốt chữa rắn cắn, đau bụng, nôn mửa. Lá đậu ván trắng nhai với một ít muối, nuốt nước dần dần chữa viêm họng.
  • Hoa Đậu ván trắng (Biển đậu hoa): Sách Tứ Xuyên Trung dược chí viết, có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc. Có tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lị, ỉa chảy, xích bạch đới hạ. Liều dùng: 4-9g.
  • Rễ cây Đậu ván trắng (Biển đậu căn): Có chứa asparaginase; trong các nốt sần ở rễ có nhiều loại axit amin. Trong Đông y dùng chữa viêm đại tràng, đại tiện xuất huyết, trĩ lở loét, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục … Liều dùng: 6-9g (Trung dược đại từ điển).
  • Dây Đậu ván trắng (Biển đậu đằng): Sách Điền Nam bản thảo viết, dùng chữa chứng họng vướng đờm, ngực đầy tức khó chịu, ý thức mơ hồ hoặc hôn mê (Đông y gọi là chứng “đờm mê tâm khiếu”), phát cuồng nói huyên thiên (điên cuồng loạn ngữ). Liều dùng 9-15g.

Bài thuốc với bạch biển đậu:

  • Chữa cảm sốt mùa hè, nôn mửa, đầy bụng, khó tiêu: Đậu ván trắng (20g); hương nhu 16g, hậu phác 12g,. Thái nhỏ, phơi khô sắc với nước 400ml còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
  • Chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy: Bạch biển đậu (ngâm nước gừng, bỏ vỏ sao nhẹ), nhân sâm, phục linh, bạch truật, cam thảo (sao), sơn dược, mỗi thứ 100g; hạt sen, cát cánh (sao), ý dĩ, sa nhân mỗi vị 500g. Tất cả nghiền thành bột, trộn đều. Mỗi lần uống 6g bọt với nước sắc táo nhân (Cục phương Trung Quốc).
  • Chữa rối loạn tiêu hóa kéo dài ở trẻ em, thể tỳ hư: Bạch biển đậu 100g, ý dĩ 100g, liên nhục 100g, đảng sâm 100g, sa nhân 20g, trần bì 20g, nhục đậu khấu 30g, cốc nha 30g. Bào chế thành dạng cốm. Trẻ em dùng 6-8g một lần. Ngày dùng 2 lần. Hoặc bạch biển đậu, ý dĩ, hoài sơn, đều đồ lên, sao già, tán bột; 3 vị với lượng bằng nhau trộn đều với mật ong hoặc kẹo mạch nha, làm thành viên nhỏ, cho uống mỗi ngày 15-20g.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06