Cây chân chim

Tên thường gọi: Còn có tên là sâm nam, cây chân chim, kotan, ngũ chỉ thông, áp cước mộc, nga chưởng sài, ngũ gia bì chân chim, ngũ gia bì bảy lá, rau lằng, đáng chân chim, mạy tảng (tiếng Tày), co tan (Thái), xi tờ rốt (K ho), lông veng vuông (Ba Na)

Tên tiếng Trung: 南人参

Tên khác: Vitis heptaphylla L; Aralia octophylla Lour; Schefflera octophylla (Lour.) Harms; S. choganhensis Harms;

Tên khoa học: Schefflera heptaphylla (L.) Frodin

Họ khoa học: Thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.

Cây chân chim – Cây ngũ gia bì chân chim

Cây chân chim

Mô tả cây chân chim:

Cây chân chim là một cây thuốc quý, dạng cây nhỏ hoặc cây to có thể cao từ 2-8m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le có 6-8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù dài 7-17cm, rộng 3-6cm, cuống lá chét ngắng 1.5-2.5cm. Cuống lá chét giữa dài hơn đo được 3-5cm. Cụm hoa chùy hoặc chùm tán. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau thường là 5, bao phấn 2 ngăn bầu hạ có 5-6 ngăn. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4mm. Khi chín có màu tím sẫm đen, trong có 6-8 hạt. Mùa hoa nở thu đông.

Phân bố:

Cây thường mọc ở độ cao từ 100m đến 2100m Cây được trồng nhiều ở miền nam Trung Quốc như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Tây Tạng, Vân Nam, Chiết Giang, ngoài ra ở Đài Loan, và Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản (kyushu, quần đảo Ryukyu) cũng thấy xuất hiện cây này. Mọc rải rác khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai…

Thu hái:

Vỏ thân, vỏ cành thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu; lúc trời khô ráo, bóc lấy vỏ cây theo kích thước quy định, rửa sạch, bỏ lõi, cạo bỏ lớp bần ở ngoài, phơi trong bóng râm, ủ với lá chuối 7 ngày (thỉnh thoảng đảo cho đều, để nổi mùi hương) rồi lấy ra phơi hoặc sấy nhẹ (50 – 60 oC) cho khô.

Chế biến: Vỏ rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn, đồ mềm, thái miếng phơi khô.

Mô tả dược liệu:

Mảnh vỏ hơi cong kiểu hình máng, dài 20 – 50 cm, rộng 3 – 10 cm, dày khoảng 0,3 – 1 cm. Dược liệu đã được cạo lớp bần, có màu nâu nhạt, lốm đốm vết xám trắng nhạt. Mặt cắt ngang gồm lớp ngoài lổn nhổn như có sạn, lớp trong có sợi xốp và dễ tách dọc. Vỏ nhẹ và giòn. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Rễ đào về rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, phơi hay sấy khô. Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh mốc mọt.

Thành phần hóa học:

Vỏ thân chứa Saponin, tanin, tinh dầu.

Trong đó tinh dầu (0,8%). Các saponin nhóm ursan và olean. Cho đến nay, có 12 saponin chia ra 6 cặp tương ứng với ursan 12-ene glycosid (xem bảng A) và olean 12-ene glycosid (xem bảng B) đã biết. Nghiên cứu các glycosid này có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt lần đầu tiên T.v.Sung cùng với các tác giả khác (1992) đã phân lập và xác  định được asiaticosid có mặt trong vỏ thân ngũ gia bì chân chim của Việt Nam với hàm lượng 0,05%. Asiaticosid (1) là glycosid đã biết có trong rau má.

Lá chứa tinh dầu và các saponin

– Các saponin chủ yếu thuộc nhóm lupan (xem bảng C), trong đó chất có hàm lượng cao nhất (5%) là 3-a -hydroxylup-20(29)ene-23,28 dioic acid 28 -0[a – L-rhamnopyranosyl (1® 4)b -D-glucopyranosyl (1® 6)] b -D-glucopyranosid (14)

Tác dụng dược lý:

Dịch chiết vỏ cây có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh rõ rệt, chống lạnh, hạ đường huyết.

Về mặt độc tính: Nam sâm có LD50 là 53.5g/kg thể trọng trong khi nhân sâm có LD50 là 22g/kg, tam thất là 9g/kg thể trọng. Vậy theo thực nghiệm Nam sâm ít độc hơn những loại thuốc khác cùng họ.

Vị thuốc chân chim – ngũ gia bì

Tính vị:

+ Vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát

+ Vị đắng, sáp, tính mát, có mùøi thơm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Vị sáp , tính bình (Lãnh Nam Thái Dược Lục).

+ Vị cay, tính hơi ấm ( Lục Xuyên Bản Thảo).

Tác dụng:

Tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kháng viêm, tiêu sưng và làm tan máu ứ. Tác dụng làm vị thuốc bồi bổ cơ thể Tác dụng điều trị cảm sốt Tác dụng trừ phong thấp.

Công dụng:

Điều trị bệnh phong thấp đau xương điều trị bệnh tê bại chân tay ở người cao tuổi

Điều trị bệnh lở ngứa, Eczema

Điều trị bệnh phù thũng điều trị vết thương sưng đau

Liều dùng – Cách dùng:

Dùng vỏ thân 10-20g, vỏ rễ 6-12g dạng thuốc sắc. Rễ dùng pha hoặc sắc lấy nước uống, có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm.

Người ta dùng vỏ chế dạng rượu ngọt. 1ml chứa 0,2g bột dược liệu khô với tên Langtonic (chai 500ml ngày uống hai lần, mỗi lần 15-30ml) và dạng elixia (1ml chứa 2g bột dược liệu khô) với tên Langosin (lọ 150ml, ngày uống 5ml).

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc chân chim – ngũ gia bì

Sổ mũi, đau họng:

Rễ Chân chim 15g, Cúc hoa vàng (toàn cây) 35g sắc uống. Phong thấp đau nhức xương: Vỏ rễ Chân chim 180g ngâm trong 500ml rượu, hàngngày  uống 2 lần, mỗi lần 40ml.

Giải độc lá ngón, say sắn:

Vỏ Chân chim giã nát, sắc nước uống. Bệnh cước khí, chân sưng đau: Chân chim, Lõi thông, Hạt cau, Hương phụ, Tử tô, Chỉ xác, Ké đầu ngựa, mỗi vị 8-16g sắc uống (Nam dược thần hiệu).

Trị sưng thủng do chấn thương:

Lá Áp cước mộc 1.920g, Táo ba chi (lá) 640g, tán bột. Dùng nước gạo đun sôi, trộn thuốc bột, làm viên 4g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên. Hoặc dùng để đắp bên ngoài (Quảng Tây Trung Thảo Dược).

Trị bị chấn thương:

Nam sâm tươi, giã nát, lấy nước thấm vào vải đắp (Quảng Tây Trung Thảo Dược)

Chữa huyết áp thấp:

Dùng viên ngũ gia bì, mỗi lần uống 5 viên, ngày 3 lần, 20 ngày là một liệu trình.

Người mệt mỏi, cảm sốt ra nhiều mồ hôi:

Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40g, sao vàng tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Tại một số vùng nhân dân đào rễ về rửa sạch thái mỏng phơi khô pha hoặc sắc với nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 6-11g.

Tham khảo

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng được.

Ứng dụng:

Hiện nay, ngũ gia bì đã được sản xuất thành viên thuốc bổ (phối hợp với cao kim anh và vài loại khoáng vi lượng) chữa hạ đường huyết, suy nhược, kém ăn, thiếu máu…

Cây ngũ gia bì – cây cảnh – cây phong thủy cho các gia đình

Cây chân chim có ý nghĩa đem đến sự tự nhiên, hòa thuận cho gia đình. Với lá xanh quanh năm Cây ngũ gia bì có khả năng hút bụi, lọc được phần lớn các chất gây ô nhiễm trong môi trường sống và đặc biệt có công dụng đuổi muỗi tự nhiên rất tốt. Với mùi hương thoảng nhẹ của lá không gây khó chịu cho con người nhưng làm bọn muỗi tránh xa.Màu sắc và hình dáng đẹp của cây giúp cho không gian của bạn thêm tươi tắn tạo cảm giác minh mẫn, thư thái cho người trồng.

Vị trí trồng và lợi ích của cây chân chim      

Cây chân chim có bộ rễ đẹp, cây phát triển nhanh, dễ trồng, chịu được khắc nghiệt tốt

Cây ngũ gia bì có bộ rễ đẹp, dễ trồng, dễ uốn được trồng chậu trang trí nội thất trưng ở nhiều nơi : cửa sổ, góc nhà, phòng khách, phòng ăn, hành lang, ban công, trước cửa nhà, phòng ngủ, … mang đến vẻ đẹp tươi xanh và sự sinh động, gần gũi.

Chậu cây lớn, dáng thế đẹp còn được trưng ở đại sảnh cơ quan, nhà hàng, khách sạn…những nơi đông người qua lại, đem đến không gian trong lành, dễ chịu, xua đuổi côn trùng.

Lá cây chân chim còn được dùng để cắm hoa.

Rễ và phần cũ của cây Ngũ Gia Bì xanh còn được điều chế làm vị thuốc Nam phục vụ chữa trị một số bệnh.

Ngũ gia bì còn được trồng  trước cửa nhà, sân vườn ngoại thất, hoặc làm hàng rào xanh ở làng quê, làm cây đô thị…

Cây chân chim nhánh nhỏ, được tạo hình ngộ nghĩnh làm cây để bàn.

Ngâm ngũ gia bì với rượu để chữa bệnh đau khớp , phong thấp, tụ máu ,hoặc các chứng bệnh liên quan đến xương khớp.

Ngũ gia bì được phân làm hai loại: ngũ gia bì xanh và vàng ( đốm vàng ít hoặc nhiều trên lá được gọi là ngũ gia bì cẩm thạch).

Cách trồng chăm sóc cây chân chim trong nhà

Cây ngũ gia bì khỏe mạnh, sống bền bỉ, dẻo dai, dễ trồng và chăm sóc, chịu được bóng, lại có tác dụng đuổi muỗi nên được  trồng trong nhà. Khi chăm sóc cây chân chim trong nhà chúng ta cần chú ý như sau:

Ánh sáng: khi trồng trong nhà vị trí quá tối hoặc đóng cửa thường xuyên sẽ làm lá bị rầy nâu trên ngọn hoặc rụng lá. Nên cần trồng nơi có ánh sáng chiếu vào tối thiểu 3-4 tiếng/ ngày ở các vị trí gần cửa sổ, cửa kính hoặc giếng trời, gần lối ra vào…Bệnh rầy thì xử lý bằng cách tiêu hủy, phun thuốc để tránh lây lan.

Nhiệt độ: chân chim thích nghi với biên độ nhiệt lớn, trồng tốt trong môi trường điều hòa, cây chịu được nóng và lạnh. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp là 20°C – 30°C, nhiệt độ xuống dưới 5oC làm cây bị rụng lá.

Đất trồng ngũ gia bì trong nhà là loại đất thịt trộn thêm đất mùn, than bùn, giàu dinh dưỡng,tốt nhất là đất chua và phì nhiêu.

Tưới nước: cây chân chim chịu hạn tốt, chịu úng kém hơn nên khi trồng trong nhà không nên tưới nhiều, chỉ khi thấy đất trên mặt chậu chuyển màu khô trắng thì mới cần tưới. 1 tuần tưới khoảng 2 lần với lượng nước 500-1000 ml tùy vào điều kiện thời tiết. Khoảng 1 tháng cho cây ra ngoài trời để quang hợp 2-4 tiếng, phục hồi màu sắc tươi tắn của lá.

Bệnh thường gặp của ngũ gia bì là rầy: phá hoại lá non và lây lan làm cây phát triển chậm, mất thẩm mỹ. Để phòng bệnh nên trưng cây nơi cao ráo thoáng mát, kiểm tra cây tránh lây lan. Khi cây ra lá non không nên bón phân vô cơ , trừ rầy bằng thuốc Diazan.

Nhân giống cây chân chim dễ dàng bằng cách giâm cành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06