Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn nồi cao tần Nhật bãi – Đông y Thiên Lương

Nồi cơm cao tần Nhật bãi (4)

Nồi cơm cao tần Nhật bãi – Giải pháp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng của những bữa cơm.

Việt Nam vốn nổi tiếng với nền văn minh lúa nước hình thành từ ngàn xưa, cho tới tận bây giờ đa số người Việt vẫn duy trì thói quen ăn hai bữa cơm/ngày. Và để có một nồi cơm thơm dẻo xuất sắc, ngoài việc lựa chọn gạo ngon thì chất lượng nồi cơm đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu nồi cơm điện cao tần với các phân khúc khác nhau từ cũ đến mới đáp ứng mọi nhu cầu của người mua. Thiên Lương lựa chọn nồi cơm cao tần Nhật bãi – giải pháp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng của những bữa cơm (Tôi không bán nồi nhé, chỉ review).

Tại sao lại là nồi cơm cao tần Nhật bãi? Chắc hẳn ai cũng biết rằng đồ Nhật nổi tiếng về chất lượng và độ bền, vì thế mà một chiếc nồi cao tần mới zin giá khá cao (dao động từ 10tr – 20tr). Nhưng cũng chính vì lý do đó mà có những chiếc nồi đã qua sử dụng một vài năm, còn hoạt động rất tốt mà giá thành chỉ bằng khoảng ¼ nồi mới.

Gia đình tôi đã trải nghiệm 4 chiếc nồi cao tần với 4 thương hiệu khác nhau. Trong đó có 2 chiếc tặng khách là dân thực dưỡng vì sau khi tới nhà và được ăn cơm gạo lứt, khách quá mê chức năng nấu cơm gạo lứt, thế là các em ý lên lần lượt lên đường về nhà mới.

Nồi cơm cao tần có rất nhiều ưu điểm, Đông y Thiên Lương thực sự bị ấn tượng nhất bởi những điều sau đây:

  • Nồi được trang bị các chế độ nấu đa dạng từ cơm gạo trắng tới các loại gạo lứt (gạo lứt chưa ngâm, gạo lứt đã nảy mầm…) rất thuận tiện, đặc biệt là với dân thực dưỡng.
  • Rền cơm, cơm dẻo đều, không quá nở, không bị khô, cứng ngay cả cơm gạo lứt và giữ được đầy đủ hương vị, dinh dưỡng trong hạt cơm. Nguyên nhân là do hạt gạo được ngâm nước ấm trong suốt quá trình nấu (thường kéo dài từ 1h -1h30p tùy chế độ nấu) giúp gạo nở đều. Đến khi gần kết thúc, nước sẽ sôi ở nhiệt độ cực cao làm chín gạo và làm ráo nước chỉ trong khoảng 5 phút – cơ chế khác biệt hoàn so với các nồi cơm điện thông thường.
  • Khả năng giữ ấm cực kỳ xuất sắc với chế độ ủ cơm từ 24 – 48h đảm bảo hạt cơm không bị khô cong vì mất nước hay ướt dính và đặc biệt độ ngon thì gần như tương đương như lúc mới nấu.
  • Nồi cao tần nếu nấu gạo lứt mất khoảng 60-70 phút tùy nồi (trong khi nồi cơm điện thường chỉ khoảng 25-30 phút), nhưng đối với tôi, nấu lâu đồng nghĩa với cơm ngon, rền, lâu tí không sao, gạo còn chờ ngâm được cả 7-8 tiếng thì chờ thêm 1h nấu cơm có nghĩa lý gì. Nhiều người than nấu gạo lứt ăn chán vì khô, rời rạc nên nhanh chóng từ bỏ ý định ăn gạo lứt chỉ sau 1-2 lần nấu, nên chọn nồi cao tần, các bạn sẽ yêu gạo lứt như gia đình tôi, thật đấy!

Tôi không bàn đến chuyện dùng nồi gang, nồi đất để nấu bằng bếp củi, bếp than, bếp ga… vì trên lý thuyết là tốt hơn cho sức khỏe, cân bằng âm dương hơn… nhưng với nhịp bận rộn như cuộc sống hiện tại, tôi chọn giải pháp này và thấy phù hợp.

Đặc trưng rất riêng của 4 hãng nồi cơm cao tần Nhật Thiên Lương đã sử dụng:

  • Toshiba là hãng duy nhất ứng dụng công nghệ áp suất hút chân không (độc quyền) vào những chiếc nồi cơm cao tần Nhật cao cấp của họ. Giải thích một cách dễ hiểu: toàn bộ khí trong ruột nồi sẽ được hút ra toàn bộ nhờ đó nước sẽ ngấm nhanh và sâu vào tận lõi của từng hạt gạo.
  • Tiger sử dụng áp suất 2 van lớn và nhỏ kiểm soát quá trình sôi, kỹ thuật sôi lắc và kích động hạt gạo trong áp lực cao.
  • Panasonic thiết kế riêng cốc nước giúp bù ẩm trong quá trình hâm cơm. Với đặc thù này, cơm hâm càng lâu sẽ càng nục hạt và mềm.
  • Zojirushi áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong các chương trình nấu, tuy nhiên ruột xoong không được dày dặn và chắc chắn như các hãng khác.

Đúc kết lại, tôi thấy nồi Toshiba nấu cơm ngon nhất, hạt cơm khô ráo nhưng vẫn có độ rền và dẻo, độ ngon cơm các lần nấu tương đối ổn định và chất lượng cơm sau thời gian ủ dài xuất sắc nhất – gần như không hề có sự thay đổi. Đây cũng là hãng được thị trường đánh giá cao và được săn lùng nhiều nhất. Nồi Panasonic sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho những gia đình thích ăn cơm rền, mềm và có độ dẻo dính. Ai là fan của cơm khô hơn chút xíu, dẻo dai và có sự đàn hồi thì có thể tham khảo hãng Tiger hoặc Zojirushi.

Hai địa điểm Đông y Thiên Lương đã từng mua nồi cơm cao tần Nhật bãi:

  • Japantop Shop nội địa nhật, gốm sứ Nhật Bản – Số 21 ngõ 105 Xuân La, Tây Hồ (trong khu Tổng cục 2) là cửa hàng ngay gần nhà tôi có số lượng nồi cơm cao tần Nhật khá lớn với đủ các phân khúc, chị chủ hiền, tư vấn nhiệt tình.
    https://www.facebook.com/TinhhoagomsuNhatBan/
  • Tinh hoa gốm sứ Nhật Bản – sảnh C sân vận động Mỹ Đình. Trước đây 1 vài năm, cửa hàng này có rất nhiều nồi với mẫu mã, chủng loại và giá cả đa dạng. Tuy nhiên cách đây 1 năm, họ đã thu hẹp quy mô kinh doanh tập trung vào sản phẩm gốm sứ Nhật bãi nên số lượng nồi có tại cửa hàng cũng không còn nhiều. Ở đây có 2 nhân viên bán hàng, 1 rất hiền và 1 rất ghê gớm, cau có nên tôi không thích đến đó cho lắm.

Một vài lưu ý và kinh nghiệm của cá nhân khi chọn nồi cơm cao tần Nhật bãi:

  • Hãng và năm sản xuất (lật đáy nồi lên như ảnh bên dưới, có số 11 có nghĩa là SX năm 2011, tương tự dịch ra với các con số khác).
  • Trên nồi toàn chữ Nhật nên hãy bảo chủ shop hướng dẫn qua chế độ mình hay nấu nhất và gửi file mềm vào ĐT bản hướng dẫn có Tiếng Việt để lúc nào quên là mở ra xem ngay, rất tiện lợi. Khi mang về nhà, có thể dán giấy nhỏ có TV cạnh các nút bấm để người lớn tuổi cũng có thể sử dụng được (như ảnh nồi Panasonic).
  • Nồi cơm cao tần Nhật sẽ có chữ IH bên ngoài, nồi có trí tuệ nhân tạo là vừa có chữ IH vừa có chữ AI
  • Vỏ ngoài ít bị móp méo.
  • Lớp tráng men ruột nồi ít bị trầy xước.
  • Các nút bấm phải nhạy không bị kẹt, có thể cắm điện và ấn thử các nút liên tục xem phản xạ của chúng có được nhanh không.
  • Các nồi cơm cao tần Nhật đều sử dụng nguồn 110V, để tránh trường hợp cắm nhầm nguồn 220V, một vài shop hỗ trợ gắn thêm 1 chân tại trung điểm của giắc cắm 2 chân tạo thành giắc cắm 3 chân thẳng hàng. Sau đó khoan thêm 1 lỗ tại trung điểm 2 chấu của ổ cắm đầu ra bộ chuyển nguồn 220V-110V. Mẹo tuy nhỏ này nhưng đặc biệt hiêu quả giúp giúp người dùng hoàn toàn yên tâm, tuyệt đối không có sự nhầm lẫn đáng tiếc.
  • Yêu cầu shop viết phiếu bảo hành (ít nhất là 3 tháng). Cho chút nước vào ruột nồi, cắm nồi thử điện ngay tại shop, theo kinh nghiệm dùng nồi của tôi và tham khảo một vài người khác thì nếu hỏng sẽ hỏng ngay sau khi dùng được vài hôm tại nhà, còn nếu không hỏng thì cứ thế mà dùng thôi, hiếm khi hỏng hóc phải sửa chữa, thay thế linh kiện.
  • Mua luôn bộ chuyển nguồn LiOA tại shop để đỡ mất công mua nhiều chỗ (giá khoảng 400-450k/bộ)
  • Chọn nồi trong khoảng giá từ 2500k đến 3500k là khá hợp lý.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06