Ngũ tạng với thuật làm đẹp

Ngũ tạng với thuật làm đẹp

Ngũ tạng với thuật làm đẹp
Ngũ tạng gồm: tâm, can, tì, phế, thận, là các cơ quan nội tạng rất quan trọng.

Cơ thể người lấy ngũ tạng làm trung tâm, thông qua tác dụng liên lạc của kinh lạc làm cho cơ thể trở thành một tổng thể thống nhất hoàn chỉnh. Các cơ quan, tổ chức ngoài da bị bệnh, có thể thông qua kinh lạc ảnh hưởng đến ngũ tạng, công năng ngũ tạng mất quân bình sẽ thông qua kinh lạc phản ánh ra bên ngoài, nên y học Trung Quốc có luận đoán: “Các bệnh ở trong tất sẽ hiện ra bên ngoài”.

Do đó Trung y luôn xem da dẻ vùng mặt là tấm gương phản chiếu ngũ tạng. Công năng của ngũ tạng hoạt động bình thường, có thể thông qua kinh lạc vận chuyển khí huyết đến mặt và da, làm mặt sáng sủa, đẹp đẽ; ngược lại, ngũ tạng khí huyết không đủ, công năng hoạt động thất thường thì mặt sẽ kém tươi nhuận, da khô xác, nứt nẻ.

Vì vậy, sự thịnh suy của ngũ tạng với thuật làm đẹp có liên quan mật thiết với nhau. Trong suốt cuộc đời, da dẻ từ trạng thái tươi nhuận, giàu tính đàn hồi, biến chuyển thành khô xác, nhăn nheo, chủ yếu là do cơ năng của ngũ tạng lão hóa dần.

Bổ phế khu phong

  • Trung y cho rằng, phổi chủ về da, cơ thể người thông qua chứng năng và hoạt động của phổi, vận chuyển liên tục các chất dinh dưỡng và khí huyết tới da và các lỗ chân lông toàn thân. Nếu các chức năng này mất cân bằng trong thời gian dài thì da dẻ sẽ khô nóng, nhan sắc sẽ giảm sút. Sách Hoàng đế kinh viết: “Phế khí không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì da sẽ nóng, da nóng thì tân dịch mất đi, mất tân dịch da sẽ khô, lông tóc sẽ kém tươi”. Về lâm sàng, vì chức năng của phổi mất quân bình mà làm cho nhan sắc tiều tụy, có hai tình trạng chính: một là do phế khí bất túc, hai là do ngoại tà xâm nhập phế khí. Phế khi bất túc cần phải bồi bổ, ngoại tà xâm nhập cần thực hiện khu phong đạt tà.
  • Người bị phế khí bất túc cần được bồi bổ bằng các vị thuốc như: hoàng tinh có tác dụng lợi tì vị, nhuận tâm phế, giữ trẻ lâu; hoàng kỳ bổ sung da thịt; ngũ vị tử khiến da dẻ tươi nhuận mịn màng; ngọc trúc tẩy vết nám đen.
  • Người phế khí bị ngoại tà xâm nhập cần khu phong bằng các vị thuốc như thương nhĩ tử: khu phong, giữ trẻ lâu, đặc biệt trị các triệu chứng bệnh da bị phong tà xâm nhập, khiến da dẻ tươi mịn; bạch chỉ, cam cúc cũng có tác dụng khu phong, giữ trẻ lâu.

Kiện tì hòa vị

Quan hệ giữ tì vị và sắc đẹp chủ yếu thể hiện ở các phương diện sinh hóa, vận hành, hấp thu của tì vị. Vì công năng vận hóa của tì vị có được bình thường, mới có thể tổng hợp các chất dinh dưỡng, nuôi dưỡng tốt da mặt; đồng thời không ngừng sinh hóa khí huyết khiến sự sống luôn được duy trì, da dẻ luôn được bồi bổ. Ngược lại tì vị vận chuyển hóa sinh không tốt, khí huyết tân dịch không đủ, thì da dẻ khó mà tươi nhuận, sáng sủa, tinh thần ủ rũ, sắc diện vàng vọt.

Tim với thuật làm đẹp

Trung y nhận định: “ Tâm chủ huyết mạch”, tim co bóp đẩy máu vận hành trong mạch, mạch máu vùng mặt lại rất nhiều, nên sự thịnh suy của tâm khí được phản ánh qua màu sắc da mặt. Nếu tâm khí thịnh vượng, huyết mạch sung mãn thì da mặt sáng sủa tươi mịn; nếu tâm khí bất túc, vùng mặt không được cung cấp đủ máu, da dẻ không được bồi bổ, thì sắc mặt nhợt nhạt, nếu tâm khí thất thoát nhiều, mặt trắng bệch như vôi, sách Hoàng đế nội kinh viết: “Người khí huyết bị thất thoát, sắc mặt trắng bệch”; nếu máu bị ứ trệ thì sắc mặt xanh tím.

Gan với thuật làm đẹp

Mối quan hệ giữa gan với sắc đẹp chủ yếu là vì gan có thể điều hòa khí cơ, tồn trữ huyết dịch, điều tiết lượng máu. Chỉ khi khí vận hành tốt, thì con người mới thấy thoải mái dễ chịu, tinh thần thư thái, giữ được vẻ tươi trẻ; ngược lại nếu gan bị bệnh, khí cơ không điều hòa, thì thường buồn bã, ủ rũ; lâu ngày, da mặt nhăn nheo, tóc bạc sớm. Nếu gan tồn trữ máu không đủ thì da dẻ thiếu chất, sắc diện nhợt nhạt, da khô nóng. Do gan tàng máu huyết, mà máu nuôi gân, nên gan chủ về gân. Nếu can huyết bất túc, máu không đủ nuôi gân, gân sẽ nhão, ra móng chân móng tay mềm mà mỏng, thậm chí biến dạng hoặc vỡ nứt.

Thận với thuật làm đẹp

  • Mối quan hệ chủ yếu ở hai phương diện tinh và nước, sự thịnh suy của thận khí có liên hệ mật thiết tới dung mạo xấu đẹp, tới trẻ lâu già mau: Nếu thận khí bất túc, sắc diện sẽ đen đúa hoặc bị bệnh nám mặt. Thận không lọc nước, thì sự trao nước bị ách tắc, gây bệnh phù thũng hoặc khô da.
  • Trung y cho rằng sự sinh trưởng, màu sắc của tóc đều có liên quan mật thiết đến tinh khí của thận, đó là vì “tóc là phần dư của máu” mà “tinh huyết có cùng nguồn, sinh trợ lẫn nhau”.
  • Hơn nữa “răng là phần dư của xương” mà thận tàng chứa tinh, tinh sinh tủy, tủy nuôi xương”. Răng có chắc, đẹp hay không, đều có liên hệ mật thiết với thận. Nếu thận tinh bất túc thì răng sẽ đen xỉn, lỏng lẻo, thậm chí bị rụng.

Theo:  Trương Hồ Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06