Vạn niên thanh

Tên thường gọi: Vạn niên thanh còn có tên là Co vo dinh (Thổ), Han phan (Lào), Kom ponh (Campuchia).

Tên khoa học: Aglaonema siamense Engl.

Họ khoa học: thuộc họ Ráy – Araceae.

Cây Vạn niên thanh

Vạn niên thanh

Mô tả:

Cây thảo cao 35-40cm, dày 1-1,5cm. Lá xoan hay xoan thuôn, tròn ở gốc, nhọn dài và đều đều ở 1/3 trên, dài 15-20cm, rộng 5-7cm, có gân phụ rõ, cong lên; cuống dài 5-10cm, có bẹ và ôm ở gốc rồi thót lại. Cụm hoa ở ngọn hay ở bên; mo dài 3,5-4,5cm có nhiều chấm trắng, buồng dài 3,5cm, hình trụ, có chân ngắn, có phần cái ngắn, phân biệt với phần đực bởi những hoa trung tính hay các nhị lép. Quả dạng quả mọng, thuôn, có mũi, chấm trắng dài 12-18mm, rộng 7-10mm.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Aglaonemae Siamensis.

Nơi sống và thu hái:

Loài phân bố ở Ðông Nam Á nhiệt đới (Lào, Campuchia, Thái Lan…) và Nam Trung Quốc. Ở nước ta thường gặp dưới tán rừng ẩm, nhiều nhất là chân các núi đá vôi nơi có nhiều mùn ở Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Tây Ninh, Ðồng Nai. Cũng được trồng làm cây cảnh.

Vị thuốc Vạn niên thanh

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường được dùng làm thuốc chữa rắn cắn, sưng đau họng, Trĩ mụn nhọt. Thân cây sắc uống làm thuốc nhuận tràng. Dân gian cũng dùng cả cây cắt ngang bỏ vào cốc nước đun sôi để nguội uống cho khỏe người, chữa liệt dương và trợ tim.

Ứng dụng lâm sàng của Vạn niên thanh

Trị lị trực khuẩn ra máu:

Dùng dung dịch ngâm dấm 20% uống lần đầu 5ml, sau đó mỗi lần 3 – 4ml, một ngày 3 – 4 lần, điều trị một liệu trình 5 – 7 ngày, tỷ lệ lành bệnh đạt 90%. Khi sử dụng thuốc, một số bệnh nhân bị nhức đầu, chậm nhịp tim, đau bụng, nếu ngừng uống thuốc thì các triệu chứng hết.

Trị viêm tuyến mang tai (tuyến quai hàm) dịch tễ:

Dùng 20 – 30 gam rễ Vạn niên thanh tươi giã nhỏ, đắp vào chỗ bệnh, ngày thay thuốc 2 lần.

Phương thuốc Trị bạch hầu, đau họng, viêm họng:

Rễ Vạn niên thanh giã vắt nước hoặc mài uống.

Trị thưng độc (không rõ nguyên nhân):

Rễ Vạn niên thanh mài bôi chỗ bệnh.

Trị cảm nắng, đau bụng:

Rễ Vạn niên thanh 10 – 30 gam sắc uống.

Trị thoát giang:

Dùng toàn cây sắc nước rửa hàng ngày, lấy bột Ngũ bội tử bôi chỗ bệnh.

Trị rắn cắn:

Dùng rễ Vạn niên thanh mài bôi.

Trị ngã tổn thương đau nhức, bong gân:

Dùng rễ Vạn niên thanh sắc uống.

Trị trĩ sưng đau:

Dùng Vạn niên thanh sắc với xương đùi chó (bỏ hai đầu) xông và rửa chỗ bệnh mỗi ngày 2 – 3 lần hoặc chỉ dùng Vạn niên thanh toàn cây sắc nước xông rửa. Trúng độc và điều trị Vạn niên thanh độc tính khá cao, khi xâm phạm cơ thể, tác dụng kích thích mê tẩu thần kinh, hưng phấn trung khu hành não, ức chế tim. Nếu liều lớn gây lợm giọng, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tim đập chậm… Xử trí bằng phương pháp rửa dạ dày, cho tiêu chảy, tiêm Atropine hoặc uống Đẳng sâm, Mạch môn, Ngũ vị (Sinh mạch tán). Vạn niên thanh dược lực mạnh, độ độc cao, khi sử dụng phải thận trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06