Sắn thuyền

Tên thường gọi: Còn gọi là Sắn sàm thuyền.

Tên tiếng Trung: 多花蒲桃

Tên khoa học: Syzygium resinosum (Gagnep) Merr. et Perry (Eugenia resinosa).

Họ khoa học: Thuộc họ Sim Myrtaceae.

Cây Sắn thuyền

Sắn thuyền

Mô tả cây:

Sắn thuyền là một cây có thân thẳng đứng, hình trụ, có thể cao tới 15m. Cành nhỏ gầy và dài, lúc đầu dẹt sau hình trụ, màu nâu nhạt, nhăn nheo. Lá mọc đối, hai đôi lá gần nhau mọc theo hai hướng thẳng góc với nhau. Lá mọc sum suê, phiến lá hình mác thuôn nhọn ở gốc, nhọn tù ở đỉnh, dài 6-9cm, rộng 20-45cm, đen nhạt ở trên khi khô, mặt dưới nhạt có những điểm hạch hình điểm. Cụm hoa mọc ở kẽ các lá rụng hay chưa rụng, thành chuỳ dài 2-3cm, thưa họp thành nhóm dài 20cm, trục gầy nhỏ, tận cùng bởi ba hoa không có cuống. Nụ hoa hình lê, gần hình cầu dài 3-4mm, rộng 2.5-3mm. Mùa thu ra quả thành từng chùm như chùm vối, khi chín có màu tím đỏ, có vị ngọt, chát chát. Nhân dân ta vẫn dùng vỏ cây để làm sàm thuyền cho nên có tên sắn sàm thuyền. Lá non còn được dùng ăn gỏi.

Phân bố, thu hái và chế biến:

Cây mọc hoang và được trồng ở gần khắp miền Bắc, Hà Nội cũng có, các tỉnh khác như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Dùng làm thuốc, thường người ta chỉ dùng lá tươi đem về giã nát để đắp lên nơi vết thương. Đang được nghiên cứu phơi khô tán bột.

Thành phần hoá học:

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ thấy có tinh dầu, chất nhựa, chất nhầy, tamin.

Tác dụng dược lý:

Dựa vào kinh nghiệm nhân dân dùng lá sắn thuyền đắp lên vết thương, Đỗ Phú Đông, Bùi Như Ngọc và Phan Văn Nông và cộng sự ở bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã nghiên cứu trong thực nghiệm đã đi tới những kết luận sau đây:

  1. Lá sắn thuyền giã nhỏ với muối hoặc không có muối thêm nước, đều có tác dụng ức chế khuẩn như một số thuốc kháng sinh thường dùng đối với chủng Staphylococcus aureus và Pyogenes cũng như với Bacillus proteus.
  2. Lá sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương thực nghiệm có tác dụng làm se vết thương, chống nhiễm trùng, tổ chức hạt mọc nhanh, toàn trạng con vật thí nghiệm mạnh khoẻ. Bột lá sắn thuyền khô mịn cũng có tác dụng tốt.
  3. Tìm khả năng tăng quá trình thực bào đối với viêm của lá sắn thuyền, các tác giả cho rằng lá sắn thuyền có tác dụng động viên nhanh mạnh bạch cầu tới ổ viêm, thúc đẩy nhiều tế bào đơn phân Plaxmoxit, fibrooxit, tế bào sao, lymphooxit… tạo thành kháng thể mạnh hơn nên có tác dụng chống tác nhân gây viêm, kích thích tổ chức hạt, làm vết thương chóng liền.

Công dụng và liều dùng:

Ngoài công dụng dùng lá non ăn gỏi, vỏ thân để làm sàm thuyền, lá sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương chảy mủ dai dẳng, bỏng vết mổ nhiễm trùng, gẫy xương hở, hoại tử da… Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp đã dùng có kết quả chữa những vết thương nhiễm trùng thông thường, làm cho vết thương chóng khô, bớt nhiễm trùng, tổ chức sẹo có điều kiện phát triển, làm cho vết thương chóng lên da non, đặc biệt dùng lá sắn thuyền chưa có trường hợp nào vết sẹo bị lồi là điều các nhà tạo hình và vá da rất mong muốn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06