Sâm cau

Tên thường gọi: Sâm cau, Ngải cau, Cồ nốc lan, Tiên mao.

Tên khoa học: Curculigo orchioides Gaertn.

Họ khoa học: Thuộc họ Tỏi voi lùn – Hypoxidaceae.

Cây Sâm cau

Sâm cau

Mô tả:

Cây thảo sống lâu năm cao 30cm hay hơn. Lá 3-6, hình mũi mác xếp nếp tựa như lá Cau, phiến thon hẹp, dài đến 40cm, rộng 2-3,5cm, cuống dài 10cm. Thân rễ hình trụ cao, dạng củ to bằng ngón tay út, có rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Hoa màu vàng xếp 3-5 cái thành cụm, trên một trục ngắn nằm trong những lá bắc lợp lên nhau. Quả nang thuôn dài 1,5cm, chứa 1-4 hạt. Hoa mùa hè thu.

Phân bố:

Cây của vùng Ấn Độ – Malaixia, có ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Philippin và Đông dương. Cây mọc hoang trên các đồi cỏ ven rừng núi nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam và cũng tìm thấy trên vùng đồi núi cao ở Lâm Đồng. Ở vùng đồi núi Lang Bian cũng có gặp.

Thu hái:

Người ta thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu. Đào lấy củ về, loại bỏ những rễ con, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm để khử độc, rồi phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận dùng:

Thân rễ – Rhizoma Curculiginis, thường gọi là Tiên mao

Thành phần hoá học:

Trong thân rễ sâm cau có chứa tinh bột, chấy nhầy, tanin, acid béo, beta-sitosterol, stigmasterol và các hợp chất flavonoid, các chất thuộc nhóm cycloartan, triterpenic, cycloartan glycosid là curculigosaponin (A, B, C, D). Sâm cau là dược thảo có chứa steroid thiên nhiên, có tác dụng dạng testosteron (một nội tiết tố sinh dục nam).

Tác dụng dược lý:  

Sâm cau có tác dụng chống oxy hóa, có khả năng làm nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường năng lực hoạt động của tuyến sinh dục nam, tăng cường khả năng thích nghi của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí hoặc môi trường có nhiệt độ cao, tăng cường hoạt động của tim, làm giãn mạch vành, bảo vệ gan, kháng viêm, chống huyết khối, chống nấm, chống co giật, giúp trấn tĩnh, giảm đau, cải thiện làn da, tăng cường hoạt động cơ bắp, chống lão hóa, giúp phòng chống đái tháo đường, ung thư.

Vị thuốc Tiên mao

Tính vị:

– Cay, nóng, có độc (Trung dược học).

– Vị cay, ấm, có độc (Khai bảo bản thảo).

– Tính ấm, vị cay hơi mặn (Điền Nam bản thảo).

– Tính nhiệt (Cương mục).

Qui kinh:

– Vào kinh Thận, Can (Trung dược học).

– Vào 2 kinh Can, Thận (Điền Nam bản thảo).

– Vào 2 kinh Phế, Thận (Bản thảo tái tân).

Tác dụng:

Có tác dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tán ứ trừ tê, tráng gân cốt, điều hòa tiêu hóa.

Công dụng:

Thường được dùng chữa: nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ đái đục, bạch đới, người già đái són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ngày dùng 6-12g phối hợp với các vị khác dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Ở Ấn Độ, người ta xem cây này có tính chất nhầy dịu, lợi tiểu, bổ, kích dục, được dùng chữa Trĩ, vàng da, hen suyễn, ỉa chảy, lậu. Dùng ngoài giã đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da.

Liều dùng: Ngày dùng 10-15 g (thuốc sắc, viên hoàn hoặc thuốc mỡ).

Kiêng kỵ: Không dùng tiên mao cho các trường hợp âm suy kèm vượng hỏa.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Sâm cau

Chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, phụ nữ tử cung lạnh:

Sâm cau 6g, Thục địa, Ba kích, Phá cố chỉ, Hồ đào nhục mỗi vị 8g, Hồi hương 4g sắc uống.

Chữa phong thấp, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược:

Sâm cau 50g ngâm trong 150ml rượu trắng trong vòng 7 ngày, dùng uống hằng ngày trước 2 bữa ăn chính.

Chữa hen, tiêu chảy:

Rễ sâm cau phơi khô, xắt lát mỏng, nhỏ, sao vàng. Dùng 12 – 16g, nấu với 250ml nước, sắc còn 50ml, uống một lần trong ngày, trước bữa ăn.

Chữa tê thấp, đau nhức toàn thân:

Rễ sâm cau, hà thủ ô đỏ (chế đậu đen), hy thiêm thảo (cỏ đĩ), mỗi thứ 20g, xắt ỏng, nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng, trong 7 – 10 ngày (hoặc càng lâu càng tốt). Ngày uống hai lần, mỗi lần 30ml, trước bữa ăn.

Chữa sốt xuất huyết:

Sâm cau 20g (sao đen), cỏ mực 12g, trắc bá diệp 10g (sao đen), chi tử 8g (sao đen).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06