Rau om

Tên thường gọi: Miền Nam gọi Rau om, Rau ôm, miền Bắc gọi là Ngò om, Rau ngổ, Ngổ hương, Ngổ thơm, Ngổ điếc, Mò om.

Tên khoa học: Limnophila aromatica (Lam) Merr (Ambulia aromatica Lam)

Họ khoa học: Thuộc họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae.

Cây Rau om

Rau om

Mô tả:

Cây thảo sống nhiều năm cao 15-30cm, thân mập giòn, rỗng ruột, có nhiều lông. Lá đơn, không cuống, có lông, mọc đối hoặc mọc vòng 3-5, lá mép lá hơi có răng cưa thưa, mặt dưới lá có nhiều đốm tuyến màu xanh. Hoa thường mọc đơn độc ở nách lá, không đều, cuống dài 1,5cm. Ðài hình chuông, chia 5 răng, dài 4-5mm. Tràng dài gấp đôi đài, chia 2 môi, cánh hoa màu tím nhạt. Nhị 4, chỉ nhị ngắn. Vòi nhuỵ nhẵn, đầu nhuỵ chẻ đôi. Quả nang hình trứng, không lông, nằm trong đài, chứa nhiều hạt.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Limnophilae Aromaticae.

Nơi sống và thu hái:

Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Xri Lanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Inđônêxia, Philippin, Bắc úc, Niu Ghinê và Micronêdi. Ở nước ta cây mọc hoang ở ao, rạch, mương và cũng được trồng làm gia vị.

Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, cắt từng đoạn, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Thành phần hoá học: Rau om chứa tinh dầu, flavonoid, tanin.

Vị thuốc Rau om

Tính vị: Vị cay, hơi chát, tính mát, mùi thơm.

Tác dụng:

Có tác dụng thanh nhiệt chỉ khái, giải độc, tiêu thũng. Rễ có tác dụng làm dãn cơ phủ tạng như ruột, thận, do đó mất các cơn đau bụng. Nó còn làm dãn mạch, tăng lực thận, tăng lượng nước tiểu, tạo thuận lợi cho việc tống sỏi ra ngoài.

Kiêng kỵ: Người có thai không dùng.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Rau om

Cảm lạnh: Rau om 15-30g sắc uống.

Rắn độc cắn: Rau om 15g xuyên tâm liên 25g, giã thêm ít rượu nếp, vắt nước uống còn bã dùng đắp vết thương. Hoặc lấy 20 – 40 gr rau ngổ khô, sao vàng, sắc lấy nước uống 4 – 5 lần liền.

Nhiễm trùng ecpet mảng tròn: Ép dịch lá rau ôm hoặc nấu nước để rửa.

Sỏi thận: Rau om 20-30g cây tươi giã ra, thêm nước uống, dùng cây khô với liều ít hơn, sắc nước uống.

Trị viêm tấy đau nhức: Lấy 1 nắm rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào nơi thương tổn rất công hiệu.

Trị ho, sổ mũi: Lấy 15 – 30 gr rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày.

Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam. Sắc 2 thứ trên với 1.000 ml nước còn 250 ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.

Tham khảo

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị: Cảm, ho gà; Sỏi đái ra máu; Rắn độc cắn; Ðinh nhọt và viêm mủ nhiễm trùng ecepet mảng tròn, ngứa sần.

Ở Quảng Ðông (Trung Quốc) còn dùng trị đòn ngã dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi đắp.

Người dân Malaysia và Indonesia cũng dùng rau ngổ làm thuốc lợi tiểu, chữa những cơn đau thắt bụng, hoặc giã nát đắp lên vết thương, vết loét. Ngày dùng 10-16 gr dưới dạng thuốc sắc hay viên hoàn.

Ở Việt Nam dùng trị Tiểu tiện không thông, đái dắt, viêm đường tiết niệu, đau tức vùng bụng dưới (Bàng quang), vôi hóa tiền liệt tuyến, phì đại tiền liệt tuyến, đau quặn thận do sỏi thận. Dùng toàn cây non của rau ngổ khoảng 40 – 60g, rồi giã nhỏ hoặc bỏ vào máy xay sinh tố, chế thêm một ly nước sôi để nguội, vắt lấy nước và cho thêm ít hạt muối để uống. Nhớ nhúng rau ngổ vào nước sôi có nhiệt độ 40 – 45 độ để diệt trứng sán (vì những cây sống ở đầm lầy, ao hồ, thường hay có côn trùng hoặc trứng sán bám vào thân, lá cây).

Theo y học Vệ đà của Ấn Độ, rau ngổ có tác dụng sát trùng, thông mật, lợi tiểu, thông tiện, kích thích tiêu hóa, chống nôn, tăng tiết sữa cho sản phụ sau sinh, làm hạ sốt. Rau ngổ còn chữa chứng chán ăn, khó tiêu và tiểu són.

Cách dùng: Một ngày uống 2 – 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần một ly 50ml. Thời gian dùng từ 5 – 30 ngày liên tục (đây là kinh nghiệm đã chỉ cho nhiều người dùng điều trị và đạt kết quả tốt).

Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau ngổ vì tác dụng giãn cơ phủ tạng có thể gây sẩy thai. Thân rau ngổ có nhiều lông và hay mọc ở nơi ẩm ướt đầm lầy dễ bị nhiễm khuẩn nên cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc nếu rửa không kỹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06