RAU MÁ NGỌ

Tên thường gọi: Còn gọi là rau sông chua dây, thồm lồm gai, giang bản quy.

Tên khoa học: Plygonum perfoliatum L.

Họ khoa học: Thuộc họ rau răm Polygonaceae.

Cây rau má ngọ

Mô tả:

Rau má ngọ

Rau má ngọ là một cây thuốc nam quý. Rau má ngọ là một loại cỏ sống lâu năm, thân bò hay leo, có nhánh nhan màu tía, có gai quặp xuống. Lá ba cạnh hơi hình khiên, nguyên có gai. Chân gai nở rộng ra. Bẹ chìa hình lá bao qunah thân trông như thân chui qua lá, do đó có tên perfoliatum. Hoa mọc thành bông tận cùng ngắn, cũng có bẹ chìa như lá, cuống dài và có gai nhọn. Quả có 3 rãnh dọc, khi chín có màu đen.

Phân bố: Mọc hoang ở khắp nơi ẩm thấp ở Việt Nam, vùng đồng bằng cũng như vùng cao đều có. Người ta dùng toàn cây hay có khi chỉ dùng lá và rễ, dùng tươi

Thành phần hóa học: Có indican, persicarin, p-counmaric acid, ferulic acid, citronellic acid, protocatechuic acid, cafeic acid.

Tác dụng dược lý: Đang cập nhật

Vị thuốc rau má ngọ

Tính vị: Rau má ngọ có vị đắng, chua, tính bình.

Quy kinh: Vào các kinh Can, thận.

Tác dụng: Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu thũng, tức phong chỉ khái (trừ phong, chống ho).

Công dụng:

Thường dùng chữa ho gà, hoàng đản (vàng da), sốt rét, kiết lỵ, tiểu tiện buốt, tiểu tiện lẫn máu, trĩ, khí hư…

Ngoài công dụng làm thuốc chữa bệnh, rau má ngọ còn dùng để làm mềm ngà voi và xương (để uốn nắn và nhuộm màu);

Trong nông nghiệp còn có thể dùng để diệt trừ sâu bọ.

Trong nhân phạm vi nhân dân, làm mềm chất ngà voi và xương để uốn nắn và nhuộm màu, giã nát đắp lên mụn nhọt, nơi rắn cắnm sắc rửa Trĩ, uống chữa lỵ, chữa sốt.

Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc rau má ngọ

Chữa ho gà:

Dùng rau má ngọ 30 g, sao với rượu, thêm chút đường phèn, sắc lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày. có thêm ngư tinh thảo (rau diếp cá) 20 g, cùng sắc uống.

Chữa xơ gan cổ trướng:

Dùng rau má ngọ 20 g, nhân trần 15 g, kim tiền thảo 10 g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 10 g, mộc hương 10 g, đại phúc bì 10 g, hoàng liên 6 g, thổ phục linh 12 g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa phù do viêm thận mạn:

Dùng rau má ngọ 20 g, đông qua tử (hạt bí đao) 15 g, đông qua bì (vỏ bí đao) 20 g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15 g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 20 g, hải kim sa (bòn bong) 10 g; sắc lấy nước, chia ra 3 lần uống trong ngày.

Chữa trĩ, hậu môn lở loét:

Dùng rau má ngọ 20 – 30 g, lòng lợn một lượng thích hợp, hầm lên ăn trong bữa cơm.

Chữa viêm da dị ứng:

Dùng rau má ngọ 30 g, dã cúc hoa 30 g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 20 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang. Sắc 3 nước; 2 nước đầu hợp lại chia ra 2 -3 lần uống trong ngày; nước thứ 3 dùng để rửa chỗ da bị ệnh.

Chữa viêm nang lông:

Dùng rau má ngọ 20 g, bồ công anh 15 g, sắc nước uống trong ngày.

Thuốc bôi ngoài:

Dùng rau má ngọ 2 phần, ô tặc cốt (mai mực) 1 phần, hai thứ tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, dùng bông chắm thuốc bôi lên chỗ bị bệnh 3 – 4 lần trong ngày.

Chữa viêm da đầu do tăng tiết bã nhờn:

Dùng rau má ngọ 100 g, lá thông đuôi ngựa 30 g. Tất cả rửa sạch thái nhỏ, sắc lấy nước để gội đầu hàng ngày hoặc cách ngày.

Tham khảo

Nhân dân thường lấy lá tươi giã hay nhai nhỏ đắp lên nơi tai bị loét gọi là bệnh Thồm lồm ăn tai, tức là chứng loét dái tai do nhiễm liên cầu khuẩn. Người ta cũng dùng lá chữa các trường hợp lở khác. Trong dân gian cũng thường dùng rễ làm thuốc tiêu độc chữa chứng xích bạch lỵ và ung nhọt, mài với giấm đắp vào để trị vết thương do rắn, côn trùng, chó cắn; nó cũng là loại thuốc chữa đòn ngã. Cành lá hoặc rễ giã đắp sẽ làm tan máu ứ rất nhanh. Quả cây và lõi thân còn non dùng ăn giải được khát. Cành lá cũng có thể dùng làm thuốc gây nôn khi bị ngộ độc.

Theo Petelot, tại Inđônêxya, nước ép của cây này dùng chữa bệnh về mắt.

Theo Quảng Tây trung dược chí (1963, tập 2) nhân dân Quảng Tây dùng cây này với tên địa hổ điệp, hay hỏa không đăng, hỏa khôi mẫu với tính chất vị ngọt, tính bình không độc vào ba kinh can, tỳ và đại trương, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, tiêu thủng chỉ thống (làm hết đau), chữa lỵ, trị bì phu thấp độc, ung thũng sưng đau. Ngày uống 12g đến 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Nguyễn Xuân Hiều-Khoa da liễu Quân y viện 108 (Sức khỏe, 79-7/1968) căn cứ vào kinh nghiệm nhân dân dùng thồm lồm chữa thồm lồm ăn tai mà thực chất là một loét kẽ tai do nhiễm liên cầu khuẩn, đã thử áp dụng chữa những bệnh ngoài da nhiễm liên cầu khuẩn khác như chốc đầu, chốc mép, chốc da thường, eczema nhiễm khuẩn v.v… Kết quả trong 18 tháng đã chữa 11 trường hợp chốc dẫu khỏi 9 (từ 4 đến 8 ngày), loét kẽ tai chữa 5 khỏi 4 (sau 5 đến 10 ngày), chốc mép chữa 1 khỏi 1 (sau 15 ngày), viêm da nhiễm khuẩn chữa 4 khỏi 4 (sau 4 đến 7 ngày) đặc biệt đã chữa một em bé bị chảy dãi nặng, da cằm bị viêm đỏ trợt, tanh hôi đã dùng nhiều thứ thuốc không khỏi, khi dùng dung dịch lá thồm lồm chấm mỗi ngày 2-3 lần chỉ sau 5 ngày cằm hết viêm đỏ. Gia đình tự động cho em bé uống mỗi ngày từ 2-3 thìa con dung dịch lá thồm lồm (việc sử dụng này ngoài chỉ định của thầy thuốc) thì cùng với bệnh viêm da cằm, bệnh chảy dãi cũng khỏi dần, sau hơn một năm không thấy tái phát.

Cách và liều sử dụng của bệnh viện 108: Hoặc lấy lá tươi rửa sạch, giã nhỏ, cho thêm nước lã đun sôi để ấm, lọc qua gạc thành một dung dịch đặc. Hoặc lấy 5 kilôgam lá tươi cho vào 10 lít nước, đun cạn còn 2 lít lọc và cô thành cao. Dùng dung dịch lá tươi hoặc cao bòi lên nơi có tổn thương ngày 2-3 lần. Trước khi bôi thuốc có thể kết hợp rửa, ngâm, tắm bằng nước lã đun sôi để ấm pha thêm muối, thuốc tím loãng hoặc nước có vò lá thồm lồm tươi. Cần chú ý tránh kỳ cọ, vò xát mạnh làm bật máu trợt da thêm. Eczema thì chữa 14 bệnh nhân khỏi hẳn một người, 9 bệnh nhân đỡ chảy nước, 2 không chuyển biến, 2 nặng thêm cho nôn tác giả kết luận đối với eczema thuốc chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng cấp tính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06