Ô đầu

Tên khác: Còn gọi là củ ấu tàu (không nhầm với vị hương phụ), củ gấu tàu, cố y, Xuyên ô, phụ tử, thiên hùng, Trắc tử, Ô uế

Tên khoa học: Aconitum fortunei Hemsl.

Họ khoa học: Thuộc họ Mao Lương Ranunculaceae

Cây ô đầu

Cây Ô đầu

Mô tả:

Cây ô đầu là một cây thuốc quý. Dạng cây thảo sống nhiều năm cao, cây cao từ  0,6-1m. Rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Thân đứng, hình trụ nhẵn. Lá của cây con hình tim tròn, mép có răng cưa to. Lá già xẻ 3 thuỳ không đều, mặt lá có lông ngắn, mép khía răng nhọn. Cụm hoa chùm, dày ở ngọn thân, hoa không đều, màu xanh lam; lá bắc nhỏ; lá đài phía sau hình mũ nông. Quả có 5 đại mỏng. Hạt có vẩy ở trên mặt.

Bộ phận dùng:

– Rễ củ thu hái vào mùa thu trước khi cây ra hoa, rửa sạch, tách riêng củ con gọi là phụ tử, củ mẹ gọi là Ô đầu, phơi hay sấy khô ở 50-60 độ C, độ ẩm không quá 13%, tạp chất không quá 1%.

– Phụ tử muối (Diêm phụ) bằng cách rửa các củ con, xếp từng lớp vào vại sành, cứ 1 lớp củ lại rắc 1 lớp muối, nén nặng, đậy kín, muối 6 tháng trở lên mới đem ra dùng – Phụ tử chế bằng cách lấy diêm phụ cắt bỏ đầu, đuôi, rốn, cạo sạch vỏ, thái mỏng, tẩm nước đậu đen đặc, đem đồ trong 1 giờ, phơi khô kiệt gọi là hắc phụ.

Thu hái, chế biến:

Rễ cái (còn gọi là củ mẹ): thu hái vào giữa hay cuối mùa xuân là tốt. Nếu để qua mùa thì củ teo và xốp. Thu hái về, cắt bỏ rễ con rửa sạch đất, phơi khô.

+ Ô nhuế: là Ô đầu có hai nhánh ở dưới đế giống như sừng trâu.

+ Trắc tử là vú lớn bên củ phụ tử.

+ Thiên hùng là Ô đầu dưới đất lâu năm không sinh đủ con.

Nói chung, củ khô, to, da đen, thịt trắng ngà để vào lưỡi thấy tê, không đen ruột là tốt.

Cách bào chế:

Theo Trung Y: Dùng Ô đầu sống hoặc nướng chín hoặc cùng nấu với đậu đen để giảm bớt độc tính tuỳ từng trường hợp (Bản Thảo Cương Mục).

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Tán nhỏ ngâm rượu 5 – 7 ngày để xoa bóp, hoặc tán bột trộn với bột thuốc khác làm thuốc dùng ngoài, ít khi dùng trong.

Bảo quản: thuốc độc bảng A, để trong lọ kín, nơi khô ráo, mát.

Dễ mọt nên năng phơi sấy (không quá 70 – 80o), tránh nóng ẩm.

Phân bố:

Ở Việt Nam, mới phát hiện lại cây Ô đầu và trồng ở Lào Cai

Thành phần hoá học:

Hoạt chất chính của củ Ô đầu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcaloid khác. Ngoài ra còn tinh bột, đường, manit, chất nhựa, các acid hữu cơ.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng giảm đau: alkaloid trong ô đầu có tác dụng làm giảm đau trên chuột trắng. Tác dụng giảm đau có tính chất thuộc trung ương, liên quan mật thiết với những đáp ứng của hệ thống các chất catecholamine trung adrenergic mà không thông qua trung gian là các thụ thể opiate nên levallorphan không làm ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau của mesaconitin. Ngoài ra aconitin còn có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả năng dẫn truyền.

Tác dụng với hệ thần kinh: Đối với các tận cùng của dây thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, aconitin ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích gây ngứa, có cảm giác nóng bỏng, sau đó mât cảm giác tê dại. Aconitin còn có tác dụng ức chế rrung khu hô hấp, tăng cường tiết nước bọt hạ thân nhiệt ở động vật bình thường cũng như động vật gây sốt.

Tác dụng chống viêm: Alcaloid ô đầu có tác dụng ức chế hiện tượng tăng thẩm thấu của thành mạch do tiêm xoang bụng acid acetic gây nên đồng thời ức chế phù bàn chân chuột cống trắng do tiêm carageenin phòng ngừa viêm. Nước sắc phụ tử có tác dụng chống viêm khớp cổ chân chuột do formaldehyd gây nên.

Vị thuốc ô đầu

Tính vị, tác dụng:

Vị cay, đắng, tính nóng, có độc mạnh; có tác dụng khu phong trừ thấp, ôn kinh, giảm đau.

Quy kinh:

Vào 12 kinh , chủ yếu các kinh tâm can, thận tỳ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng làm thuốc ngâm rượu xoa bóp, trị nhức mỏi chân tay, tê bại, đau khớp, sai khớp, đụng giập.

Cách dùng

– Cồn xoa bóp, lọ 30ml, xoa bóp tại chỗ khi đau nhức các khớp xương sưng đau khi ngã (không dùng cho các vết thương hở).

– Trấn kinh hoàn chuyên trị các chứng bệnh trúng gió phát kinh, co giật méo mồm, chân tay lạnh run ở trẻ em.

Liều dùng: Liều thường dùng là 3-4g, sắc uống hay ngâm rượu.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc ô đầu

Chữa bệnh khớp:

Nhiều khớp sưng to đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không đỏ nóng rõ nhưng đau nhiều, dị dạng kèm theo tê dại, da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, co duỗi khó khăn, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, lâu ngày gây tổn thương thận (viêm thận kẽ, sạn tiết niệu, tiểu ra máu, suy thận cấp, mạn).mạch Trầm Huyền hoặc Khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng là triệu chứng của hàn thấp ứ trệ.

Ô Đầu Tế Tân Thang (Hiện Đại Trung Y Nội Khoa Học):  Ô đầu 5g (sắc trước), tế tân 5g, đương quy 12g, xích thược 12g, uy linh tiên 10g, thổ phục 16g, tỳ giải 12g, ý dĩ 20g, mộc thông 10g, quế chi 4-6 g.

Tham khảo

Các cây Ô đầu nói chung đều rất độc (thuốc độc bảng A). Nhiều dân tộc các nước xưa và nay dùng Ô đầu tẩm độc săn bắn súc vật (kể cả voi). Độc là do chất aconitin của nó, uống 1 mg đến 1,5 mg có thể chết người. Trong củ Ô đầu rửa sạch phơi khô, người ta quy định phải có 0,5% alcaloid toàn phần phụ thuộcvào loại cây, từng địa phương thu hái, thời gian thu hái, cách chế biến và bảo quản .

Đặc tính của aconitin là rất dễ thủy phân trong dung dịch nước hay cồn ở nhiệt độ thường và với thời gian bảo quản. Với sức nóng (như lùi trong tro nóng), nó càng dễ thuỷ phân để cho chất benzoylaconin (400 – 500 lần kém độc) rồi aconin (1.000 – 2.000 lần kém độc hơn). Do đó, ta có thể giải thích tại sao nhân dân các vùng có cây Ô đầu (Tứ Xuyên – Trung Quốc) dùng củ tươi nấu cháo ăn để trị phong thấp như cơm bữa mà không bị ngộ độc.

Kiêng kị:

Không thật trúng phong hàn và phụ nữ có thai thì không nên dùng.

Lưu ý: Ô đầu là thuốc độc bảng A nên người mua không tự ý mua về sử dụng nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06