Nguyên lý làm đẹp của Đông Y
Thích làm đẹp là nhu cầu tự thân, là thuộc tính của muôn loài. Con người không nằm ngoài đặc tính ấy.
Nguyên lý làm đẹp của Đông Y luôn coi trọng đẹp đi đôi với khỏe, đặt cái đẹp tự nhiên, tổng thể lên hàng đầu. Đông Y chú trọng tới làm đẹp bằng cách điều chỉnh thân tâm, kinh lạc, khí huyết, tạng phủ, biểu lý, âm dương. Do đó, việc làm đẹp có hiệu quả cao và bền vững.
Qua hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, người xưa đã đúc rút nhiều liệu pháp làm đẹp như: ăn uống, khí công, xoa bóp, châm cứu, mỹ phẩm… Đặc biệt phương pháp làm đẹp theo Y học cổ truyền Phương Đông trọng dụng các vị thuốc từ thiên nhiên không độc hại nhưng hiệu quả thật vi diệu. Vì vậy, cách làm đẹp theo y học cổ truyền Phương Đông ngày càng được mọi người yêu thích.
Có rất nhiều Y thư ghi lại tác dụng làm đẹp của vị thuốc. Theo Thần nông bản thảo kinh, bộ sách về dược học đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện đời Tần Hán có ghi chép cả thảy 365 loại thuốc, trong đó có mấy chục loại thuốc có tác dụng làm đẹp như “Bí đao có tác dụng tốt cho sắc diện, da dẻ tươi nhuận, ích khí, dùng lâu thân thể nhẹ nhõm, trẻ lâu”; “Bạch chỉ có tác dụng làm da tươi nhuận, cơ bắp phát triển”; “Bạch cương tàm có thể làm tươi nhuận da mặt, trị nám mặt”. Ngoài ra, sách còn ghi chép hơn 20 loại thực phẩm có tác dụng làm đẹp như: gừng tươi, hành củ, đại táo.
Hoa Đà trong sách Trung tạng kinh viết bài rượu thuốc “Liệu bách tật diên niên tửu” có tác dụng làm đen tóc, trẻ lâu, trong Hoa Đà thần y bí truyền có 10 bài thuốc dùng chữa trị bệnh nám mặt, tàn nhang, với các loại thuốc bột, kem, cao…
Trong sách Chẩn hậu bách nhất phương do Cát Hồng Nguyên đời Tấn viết cách đây 1.700 năm, Đào Hoằng Cảnh đời Lương bổ sung, có chương Trị diện sang hãn hắc phát thốc thân xú phương sưu tập 97 bài thuốc, trong đó có bài thuốc trị nám mặt như sau: “Hạnh nhân tươi bỏ vỏ nghiền nát trộn với lòng trắng trứng gà, buổi tối bôi lên mặt, để khô thì lấy nước rửa sạch”. Danh y Hoàng Phủ Mật đời Tấn đưa ra khá nhiều phương pháp châm cứu làm đẹp, như sách Châm cứu giáp ất kinh có ghi rằng châm huyệt hạ liêm để trị da mặt xấu, châm huyệt khúc trì để trị chứng khô da mặt. Đời Tấn có ghi lại việc phẫu thuật sứt môi, chứng tỏ phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Hoa sớm hơn các nước phương Tây tới chín thế kỷ. Tân thư ghi chép một nười tên Ngụy Vinh, sinh ra đã hở môi, được thầy thuốc làm phẫu thuật vá môi, sau này làm đến chức tể tướng.
Thời kỳ Nam Bắc triều cũng rất coi trọng thuật làm đẹp, như ái phi của Trần Hậu Chủ Nam triều dùng trứng gà và đan sa chế tạo “Trương Quý Phi diện cao” để bảo vệ dung nhan; loại kem bôi mặt này làm cho da mặt mịn màng trắng trẻo.
Đến đời Đường, kinh tế phát triển, con người không ngừng nâng cao yêu cầu mỹ hóa thể hình. Tôn Tư Mạo trong Thiên kim dực phương viết: “Mặt xinh tay thon, quần áo thơm tho, ai nấy đều ưa”. Các chương Diện bệnh, Phụ nhân diện dược, Lệnh thân hương, Sinh phát hắc phát trong sách Bí cấp thiên kim yếu phương và Thiên kim dực phương của Tôn Tư Mạo có ghi hơn 100 bài thuốc. Chỉ riêng chương Phụ nhân diện dược đã có 39 bài thuốc với 125 vị thuốc làm đẹp, trong đó tỉ lệ dùng các vị thuốc bạch chỉ, xuyên khung, đương qui, hạnh nhân rất cao. Họ Tô còn sáng tạo ra cách điều khí, là một trong những liệu pháp khí công, luyện điều khí đến một trình dộ nhất định, sẽ làm cho “da dẻ tươi nhuận, sắc diện hồng hào, tóc đen mượt, tai thính, mắt tính”. Vương Đạo đời Đường trong sách Ngoại đài bí yếu có ghi chép hơn 200 bài thuốc về làm đẹp.
Mỹ dung học Trung y từ đời Tống về sau có bước phát triển vượt bậc, với các sách y dược nổi tiếng như Bản thảo cương mục, Y tông kim giám…với nhiều bài thuốc có liên quan tới thuật làm đẹp. Sách Thánh tế tổng lục đời Tống có một chuơng ghi chép về trị bệnh bằng ăn uống, ghi lại khá nhiều món dược thiện làm đẹp, như “cháo hạt sen” giúp sáng mắt, “cháo đại táo” giúp nhuận da… Sách này còn ghi: “Làm đẹp, cần phải lấy ích khí bổ huyết làm căn bản, việc rửa mặt, nhuộn tóc chỉ là nhân tố phụ trợ”. Sách đưa ra quan điểm làm đẹp bằng cách bồi bổ tạng phủ, không chú trọng đến việc bôi, thao bên ngoài. Sách Thánh tế tổng lục còn đề xướng phương pháp châm cứu làm đẹp.
Hoàng hậu, cung phi qua các triều đại luôn quan tâm đến thuật làm đẹp, vì vậy trong cung đình sưu tập các bài thuốc bí truyền về thuật này. Đời Tống có sách Ngự dược viên phương; đời Nguyên, Hứa Quốc Trinh sưu tập các bài thuốc trong cung đình đời Kim, đời Nguyên và biện soạn lại Ngự dược viên phương với các bài thuốc rửa tay, chải răng, làm chắc răng, đen tóc, nhuận da… Sách Tất dụng toàn thư có ghi bài thuốc “Kim quốc cung nữ bát bạch tán” là bài thuốc rửa mặt nổi tiếng, có tác dụng nhuận da, trị ngứa da, dùng lâu da mặt trắng trẻo. Đời Nguyên, hoàng đế và các cung phi thường dùng các loại thuốc rửa mặt “Ngự tiền tẩy diện dược”; “Hoàng hậu tẩy diện dược”; “Hoắc hương tán”… có tác dụng nhuận da, chống nhăn, trị tàn nhang…
Đời Minh có hai cuốn sách nổi tiếng là Phổ tế phương của Chu Khang và Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, trong đó có bàn về mỹ dung học Trung y.
Phổ tế phương tập trung các thư tịch trước đời Minh, và cũng là cuốn bách khoa toàn thư về các bài thuốc làm đẹp. Trong đó quyển 51-52 bàn về “mặt mũi”, các bài thuốc đều thuộc phạm trù làm đẹp, bao gồm hơn 10 loại bệnh, 394 bài thuốc và 293 loại dược liệu, có hiệu quả nhất định đối với việc bảo vệ và phòng bệnh về da, qui tắc chủ yếu vè dùng thuốc của Phổ tế phương có đặc điểm sau:
- Một là, lấy thảo dược làm nguyên liệu chính.
- Hai là, thuốc thường có vị thơm và nhuận, vị cay ngọt, cay thơm ngọt nhuận nhưu dinh hương, đàn hương, tận di, cam tùng hương, linh lăng hương, các vị này vừa có hương thươm dễ chịu, mà lại có tính thẩm thấu cao, có thể nhuận da, tiêu mỡ, thông kinh lạc, thông khí huyết… vì vậy thường lấy thuốc có hương thơm làm thuốc mỹ dung.
- Ba là, dùng thuốc có tác dụng chống lão suy, giàu Vitamin, chống lão háo da như xuyên khung, đương qui giàu Vitamin E có tác dụng chống lão hóa da.
- Bốn là, có tác dụng chống vi khuẩn cao.
- Năm là, dùng bột đá và các loại thuốc bột để tiêu trừ nốt ruồi.
Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân có ghi 165 vị thuốc bao hàm nội dung phong phú và các phương pháp làm đẹp, đặc điểm chủ yếu như sau:
- Một là, đề xướng quan điểm làm đẹp thì tạng phủ phải khỏe mạnh, chú trọng đến việc điều hòa, quân bình âm dương.
- Hai là, đưa ra lập luận các dược phẩm có tác dụng lý khí hoạt huyết nhằm thông tạng phủ cũng có thể làm đẹp, trẻ lâu.
- Ba là, xuất phát từ tổng thể, đưa ra phương pháp chữa trị cả trong lẫn ngoài, tức là trong thì uống thuốc bồi bổ tạng phủ, ngoài thì xoa bóp, bôi thuốc làm đẹp.
- Bốn là, chủ trương dùng các loại dược phẩm, thực phẩm dễ tìm, chất lượng cao lại rẻ để chữa trị, phòng bệnh và làm đẹp. Năm là chú trọng đến vấn đề tinh thần thoải mái, sinh hoạt hợp lý để làm đẹp.
Từ đó có thể thấy, tư tưởng làm đẹp của Lý Thời Trân rất đa dạng, phong phú với đặc điểm đặc trưng là điều trị toàn diện, tổng thể. Thuật mỹ dung hiện nay thường chú trọng đến việc cải tạo bề ngoài, trang điểm bộ mặt và ít quan tâm đến ảnh hưởng của toàn thể đối với cục bộ.
Ngoài ra, đời Minh còn có sách Ngoại khoa chính tông do Trần Thực Công biên soạn, trong sách có ghi khá nhiều các bệnh tật về da, gây trở ngại cho việc làm đẹp, đến nay vẫn còn ý nghĩa lâm sàn thiết thực.
Vào đời Thanh, thuật mỹ dung phát triển rực rỡ, các loại hóa mỹ phẩm và thuốc thang rất phong phú. Sách Y tông kim giám có ghi rất nhiều phương pháp làm đẹp da và các dực phẩm chữa trị các bệnh da, như dùng “điên đảo tán” để chữa mụn sởi; “thủy tinh cao” trừ nốt ruồi; “Thời Trân chính dung tán” chữa tàn nhang…
Thế mới biết từ xa xưa, các cụ đã rất chú trọng tới việc làm đẹp và để lại những di sản vô cùng quý báu, nay chúng ta không biết coi trọng kế thừa thì thật uổng phí và thiệt thòi.
Nguồn:Sưu tầm.