Ngũ lộ Y đạo dưới góc nhìn của Đông y Thiên Lương

Ngũ lộ y đạo dưới góc nhìn Đông Y Thiên Lương

TÀ ĐẠO

Dùng các thủ thuật, lợi dụng sự hiểu biết, cả tin của người bệnh để thu lợi bất chính.

QUÁI ĐẠO

Dùng các tiểu xảo, thủ thuật, mẹo phép kỳ quái chưa có cơ sở y lý, khoa học để chữa bệnh.

BÁ ĐẠO

  • Dùng thủ thuật để tiêu trừ triệu chứng, người chữa bệnh không cần biết đến triết lý âm dương ngũ hành, các quy luật của tự nhiên, chỉ để ý đến triệu chứng thì rất khó tiêu trừ được gốc bệnh mà có hết triệu chứng thì cũng nhanh chóng tái phát.
  • Không coi trọng tìm nguyên nhân để tiêu trừ gốc bệnh, bệnh đâu chữa đó. Bệnh tật chỉ tạm thời lui rồi phát lại. 
  • Ví dụ: Gặp bệnh đau đầu bấm những huyệt ở vùng đau mà không tìm nguyên nhân, có khi nguyên nhân lại do thận hư thì cần phải bấm các huyệt vùng lưng, vùng chân.

VƯƠNG ĐẠO

  • Coi trọng nâng cao chính khí (sức đề kháng của cơ thể), phát huy nội lực của cơ thể để đẩy lùi bệnh tật.
  • Tạo môi trường không thuận lợi cho mầm bệnh để tiêu trừ bệnh tật.
  • Khi chữa bệnh thầy thuốc căn cứ vào các cảm giác của người bệnh, các biểu hiện mà thầy thuốc thu nhận được (chứng trạng) rồi phân tích để tìm ra nguyên nhân, vị trí, tính chất, mỗi tương quan giữa chính khí – sức đề kháng của cơ thể và tác nhân gây bệnh – tà khí (chứng hậu). Sau khi biện chứng, người thầy thuốc sẽ tìm ra phương pháp để giải trừ bệnh tật (luận trị).
  • Với cách chữa này bệnh tật sẽ được giải trừ tận gốc hoặc lâu tái phát.

THÁNH ĐẠO

Dùng các phương pháp dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe (thể chất + tinh thần), nâng cao sức đề kháng phòng trừ tật bệnh.

Thấm nhuần tư tưởng “Trị vị bệnh” – trị bệnh khi chưa phát bệnh, Đại y tôn – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã đưa ra một bí quyết dưỡng sinh trường thọ rất nổi tiếng, tóm gọn trong hai câu thơ đơn giản:

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.”

  • Bế tinh

Tinh tức chất tinh túy được cơ thể chắt lọc từ đồ ăn uống bổ dưỡng, thanh sạch. Tinh dồi dào thì sức khỏe tráng kiện, tinh thần sung mãn và ngược lại. Tinh bị tổn thất nhiều nhất trong sinh hoạt tình dục. Tinh khí là nguồn động lực trong hoạt động sống, là điều kiện của trường thọ. Hao tổn quá nhiều tinh khí dẫn đến mất ngủ, chân chồn gối mỏi, đau lưng, chóng già thậm chí yểu mệnh. Bế tinh chính là cách giữ gìn, tiết độ tinh khí cho cơ thể.

  • Dưỡng khí

Cùng với bế tinh, dưỡng khí là phần quan trọng trong dưỡng sinh. Khi tinh và khí đầy dồi dào thì bệnh tật không xâm nhập được. Có rất nhiều phương pháp luyện khí: phương pháp thở 4 thì của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng, Khí công, Pháp luân công, Yoga, Thiền định… Dưỡng khí giúp cho các kinh mạch được khai thông và điều hòa góp phần làm cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vững vàng.

Một trong những phương pháp hiệu quả để dưỡng khí (nguồn ảnh Internet).
Một trong những phương pháp hiệu quả để dưỡng sinh (nguồn ảnh Internet).
  • Tồn thần

Tinh khí đầy đủ làm cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần mẫn tiệp. Tồn thần là giữ cho tâm thế thanh thản, tự tại. Thư giãn là một trong những cách tốt để tồn thần, tái tạo năng lượng và kích hoạt cơ chế tự sửa chữa của cơ thể. Người xưa có nói: “Tinh túc thì ít bệnh. Khí túc thì ít ăn. Thần túc thì ít ngủ.”

  • Thanh tâm, quả dục giúp cho tâm – thần được yên ổn

Thanh tâm là giữ cho tâm trong sáng, tránh tham, sân, si. Thanh tâm chính là sự tu tập, trau dồi những phẩm chất tốt đẹp, thanh cao. Sống bao dung độ lượng thì lương tâm thanh thản, tạng phủ điều hòa, con người luôn hạnh phúc, viên mãn.

Để thanh tâm con người nên biết quả dục.

“Dục” là lòng ham muốn. Vốn dĩ ai cũng có nhiều ham muốn chính đáng: cơm ăn, áo mặc, thành công trong công việc, hạnh phúc trong đời sống, tạo giá trị cho cộng đồng. Song có những ham muốn thái quá hoặc có hại cho xã hội…

 “Quả” – ít, giảm bớt những ham muốn xấu chỉ còn những mong muốn lành mạnh, chính đáng . Mỗi con người được trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe, tuân theo quy luật tự nhiên.

Thanh tâm quả dục là gốc rễ của dưỡng sinh. Bất kể giàu hay nghèo nếu thanh tâm quả dục trong mọi suy nghĩ, ngôn ngữ, hành động sẽ giúp tâm  thân khỏe mạnh, an khang.

  • Thủ chân

Thủ được hiểu là giữ.

Chân được hiểu là chân khí (chân âm, chân dương), nội tiết tố… Chân khí là tổng hòa từ nhiều yếu tố: khí tiên thiên (mang tính di truyền do bố mẹ truyền cho con), khí hậu thiên (qua sự trao đổi chất, ăn uống và hít thở khí trời). Do đó muốn cho chân khí luôn được đầy đủ thì phải thường xuyên được bổ sung thông qua chế độ ăn uống và luyện thở. Cần ăn đủ chất để giúp cơ thể sinh trưởng phát dục thuận lợi, chống lão hóa, tránh các bệnh do thiếu dinh dưỡng gây ra. Muốn vậy trong khi ăn uống cần kết hợp các thức ăn theo nguyên tắc toàn diện, hợp lý, kết hợp với nhau nhằm đủ chất dinh dưỡng, thăng bằng âm dương, loại trừ tối đa hóa chất độc hại … Ngoài ra, tĩnh dưỡng tàng thần giúp cho chân khí luôn được sung mãn không bị tổn thương, tăng cường sức đề kháng, có lợi cho việc phòng ngừa bệnh tật. Tất cả những gì trong sinh hoạt làm trái với quy luật phát triển của tự nhiên (con người, vũ trụ…) đều làm mất đi chân nguyên – ngược lại với thủ chân: “Thuận thiên giả tồn – Nghịch thiên giả vong”. Tất cả các trường phái dưỡng sinh đều đề cao tam bảo (ba báu vật quý của con người): tinh, khí, thần. Dù bạn theo trường phái nào nếu không bảo tồn được tinh, khí, thần, chân nguyên trong cơ thể sẽ bị hoại diệt.

Thủ chân, còn có nghĩa là phải giữ chân tâm không đi vào con đường tội lỗi, nghiệp chướng mà tạo vòng nhân quả chánh nghiệp cho tương lai.

Thủ chân còn được hiểu theo một nghĩa khác tức là luôn theo đuổi những lý tưởng cao đẹp, những giá trị nhân văn trong kiếp nhân sinh. Khi có lý tưởng cao cả ta mới hiểu chân giá trị của cuộc sống. Ta luôn sáng suốt phân biệt đâu là phương tiện đâu là mục đích. Đó chính là nền tảng để ta an nhiên tự tại, biết vượt qua những ưu phiền.

Thực dưỡng với nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp hữu cơ góp phần phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cho mọi người (ngồn ảnh Internet)
Thực dưỡng từ sản phẩm nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp hữu cơ góp phần phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cho mọi người (ngồn ảnh Internet).
  • Luyện hình

Luyện hình là luyện tập cơ thể thường xuyên để chân khí huyết mạch lưu thông tốt, có tác dụng chống lão hóa.

Vận động chân tay hay vận động trí óc đều là cần thiết với sinh mệnh, nhưng cần phải là vận động toàn diện: tâm, ý, khí, hình nhằm cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc, bồi dưỡng chân khí , kéo dài tuổi thọ. Bí quyết dưỡng sinh này cũng chính là điều nên học hỏi, kiên trì thực hành để sống khỏe, hạnh phúc, tăng thọ, hữu ích.

Tinh – Khí – Thần kiện khang tức nội lực sung mãn. Nội lực sung mãn ắt  tà khí bất xâm. Đời người ổn định, tiếp tục tu tâm dưỡng tánh thì đạo lộ thánh hóa rất dễ dàng. Mọi não phiền, khổ đau, bệnh tật tiêu tan. Ấy chính là tinh thần của thánh đạo vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06