Tên thường gọi: Lộc mại còn gọi là Rau mọi, Lục mại.
Tên khoa học: Mercurialis indica Lour.
Họ khoa học: Thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.
Cây Lộc Mại
Mô tả:
Lộc mại là cây gỗ nhỏ hay lớn, có thể cao đến 15m. Lá đa dạng, phiến hình bầu dục dài 10-14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa, mỏng, có lông dày hay thưa có đốm trong, cuống ngắn hay dài đến 10cm. Cụm hoa dài có lông dày, hoa đực, dài 20cm lông thưa, ngắn ở chùm hoa cái. Hoa đực có 15-20 nhị, hoa cái có bầu 2-3 ô, mỗi ô một noãn. Quả nang có lông dày dài khoảng 1cm. Hạt dài 3mm, màu trắng. Lộc mại ra hoa tháng 5-8, kết quả vào tháng 7
Phân bố:
Cây lộc mại thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá,Hà Giang, Hà Tây, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hoà Bình.
Thu hái và chế biến:
Người ta hái lá về làm thuốc. Mùa hái hầu như quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.
Công dụng:
Lá có tác dụng tẩy. Rễ có vị nhạt, tính bình, ít độc có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, giảm đau.
Lá Lộc mại non nấu canh ăn được. Lá giã nát thêm muối và nước vo gạo, hơ nóng đem chườm chữa quai bị, Thấp khớp. Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không được dùng.
Tuy nhiên, dùng Lộc mại có thể bị ngộ độc. Đối với hệ thống tiêu hoá thì gây hiện tượng ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Với hệ thống tiết niệu: nước tiểu có mầu đỏ, đái vặt và buốt. Tim đập mạnh và nhanh. Bệnh nhân mệt yếu. Viêm dạ dày và ruột, viêm thận. Muốn chữa ngộ độc cần dùng thuốc nhuận để tống hết chất độc hoặc dùng thuốc kích thích chung toàn thân. Cần chú ý là nước tiểu màu đỏ không phải là do đái ra máu mà là do một loại sắc tố của cây.