Long nhãn giống cổ Hưng Yên của Đông Y Thiên Lương có thực sự xứng đáng với hai từ “thượng phẩm”. Bạn đọc hãy tự mình kiểm chứng nhé!
Chọn giống
Có rất nhiều loại nhãn: nhãn cùi, nhãn lồng, nhãn nước róc, nhãn nước ướt, nhãn cỏ, nhãn đường phèn, nhãn điếc, nhãn Khoái Châu cọng mềm, nhãn Khoái Châu cọng cứng, nhãn gỗ, nhãn thóc, nhãn hương chi, nhãn da xanh siêu ngọt, nhãn Miền Thiết, nhãn da bò… Thế nhưng để được long nhãn thượng phẩm ngon thơm cần chọn các giống nhãn sau: nhãn nước róc, nhãn đường phèn, nhãn lồng, nhãn cùi, nhãn điếc.
Tuổi của cây
Cây từ 10 năm trở lên mới cho nhãn ngon (lúc ấy bộ rễ của cây phát triển ăn sâu và rộng hút được nhiều các chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng).
Chất đấtCây nhãn ưa nhất đất thịt, đất phù sa cổ, giàu dinh dưỡng, đủ ẩm, thoát nước, độ PH từ 6.5 đến 7.5.
Môi trường
Chọn nơi môi trường trong sạch, tránh xa khu công nghiệp, đường xá nhiều xe cộ qua lại, tránh xa các nguồn ô nhiễm đất, nước, không khí.
Thời tiết
Chú ý đến yếu tố tiểu khí hậu, nhiệt độ từ 20 đến 35 độ C, mưa nắng điều hòa, nếu nắng nhiều nhiệt độ cao nhãn không lớn được và hay bị sượng cùi, nếu mưa nhiều nhãn hay bị nứt rụng và kém ngọt.
Dinh dưỡng và bảo vệ thực vật
Dinh dưỡng
- Nhãn là một loại cây cần nhiều phân bón, việc thiếu các loại phân này làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả. Khi bón phân đầy đủ và cân đối không những làm tăng năng suất và chất lượng quả, mà còn góp phần khắc phục hiện tượng ra quả cách năm.
- Nguyên tắc chung của bón phân cho cây nhãn là bón nhiều đạm và kali, lân thấp hơn và bón đủ trung vi lượng. Đạm là yếu tố quan trọng nhất giúp cây sinh trưởng phát triển, tăng khả năng phân cành, chủ yếu là các lợt lộc trong năm; kế đến là kali và lân. Ngoài ra nhãn còn cần các chất trung và vi lượng như Mg, Ca, S, Si, Bo, Zn, Fe, Cu, Mo, Co…Tùy loại đất và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây nhãn có thể bón lượng phân khác nhau.
- Sử dụng các loại phân hữu cơ sau: phân chuồng ủ Trichoderma, phân trùn quế, hỗn hợp phân cá + đỗ tương + ngô + trứng gà/vịt + chế phẩm EM.
- Thời điểm bón phân một năm chia thành 5 lần: trước khi ra hoa, sau khi đậu quả 10 ngày, khi quả lớn 1cm, trước khi thu hoạch 1 tháng, sau khi thu hoạch 1 tháng.
- Cách bón: Đào rãnh hoặc cuốc hốc xung quanh tán cây sâu 30cm rộng 50cm trộn đều phân chuồng với các loại phân ủ hữu cơ rải đều theo rãnh sau đó lấp đất bằng phẳng.
Bảo vệ thực vật
Cây nhãn thường mắc các bệnh sau: cháy lá, phấn trắng, thối bông, thối rễ, khô cành, đốm bồ hóng, thán thư, sương mai, vàng lá… và các loại sâu bọ hại nhãn: bọ xít, sâu tiện thân, rệp sáp, dơi, rầy hại hoa, dòi đục cành hoa…Để phòng và chống các bệnh hại nhãn, Đông y Thiên Lương đã sử dụng các biện pháp:
- Bón phân đầy đủ, duy trì độ pH, độ ẩm thích hợp để tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi phát triển giúp cây tăng sức đề kháng.
- Thường xuyên tỉa cành (cắt bỏ cành gần mặt đất phòng bệnh thối quả, tỉa cành già, cành quá cao) giúp cây thông thoáng, ánh sáng xuyên qua tán lá đến các thân cây, cành cây tiêu diệt nấm bệnh.
- Giảm mật độ cây để tăng ánh sáng quang hợp phòng chống sâu bệnh.
- Vun mô cao, xẻ rãnh thoát nước, bón vôi vào cuối mùa nắng.
- Dùng nước cốt lá xoan, lá neem trộn với nước rửa bát hoặc dầu khoáng để phun khi cần.
- Tạo môi trường cho thiên địch: kiến vàng, ong ký sinh diệt trứng bọ xít, nhện bắt mồi…
- Trải bạt rung cây để bọ xít rụng vào bạt và tiêu diệt..
Thời điểm thu hái và xoáy cùi
Chọn đúng thời điểm thu hái thích hợp quyết định đến chất lượng và năng suất của long nhãn, quá trình chín của nhãn trải qua 3 giai đoạn gọi là 3 nước:
- Nước 1: Hạt nhãn đã đen, vỏ nhãn chuyển màu sẫm hơn, cùi nhãn đã có vị ngọt nhưng vẫn có mùi của nhãn non, cùi chưa róc hạt.
- Nước 2: Hạt nhãn đen hơn, vỏ nhãn chuyển màu sẫm hơn, cùi ngọt hơn không còn mùi của nhãn non, róc hạt.
- Nước 3: Vỏ nhãn mỏng hơn, bóp quả nhãn thấy mềm, vai quả nhãn nổi u, cùi nhiều nước, rất thơm và ngọt, khi bóc vỏ cùi không bị vỡ nước.
Thông thường trong 1 cây nhãn, quả ở cành la (cành thấp) chín trước cành bổng (cành cao) nên khi quyết định thời điểm bẻ nhãn phải nếm cả ở cành la và cành bổng. Khi quả nhãn ở cành la vào cuối nước 3, ở cành bổng vào đầu nước 3 là thời điểm thu hoạch lý tưởng (long nhãn thơm ngon, đạt tỉ lệ cao, chất lượng và dễ xoáy). Hoặc thu hoạch ở cành la trước, sau đó khoảng 4-6 ngày, thu hoạch quả ở cành bổng.
Mỗi nước kéo dài 1 tuần, khi nhãn đã ở nước 3 nếu không thu hoạch ngay sẽ có hiện tượng quá nước, cùi dày lên (đội cùi), không còn đường nên cùi nhãn nát, không còn vị ngọt.
Đặc biệt ở những cây có hiện tượng hai hoa (hoa ra 2 lần hoặc 3 lần) thì phải thu hoạch từng đợt, tuy tốn nhiều công sức nhưng cho ta long nhãn chất lượng cao.
Nên thu hái vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi không có mưa hoặc sau đợt mưa dài ngày ít nhất là 2 ngày. Nếu thu hái vào buổi trưa nắng nóng sẽ làm nhãn hấp nhiệt, không để được lâu. Không nên để nhãn thành đống dày, nhãn sẽ sinh nhiệt (hấp hơi) nhanh hỏng. Nên tãi mỏng sau 5-7 giờ thì bắt đầu xoáy cùi.
Quy trình xoáy cùi:
- Chọn quả to, đều, mọng, không sâu, hỏng.
- Rửa sạch để ráo.
- Dùng bút xoáy cùi và xếp vào khay sấy.
Sấy cùi nhãn
Xoáy cùi đến đâu đưa vào sấy đến đó. Để có long nhãn ngon cần chú ý:
- Giai đoạn 1: Sấy 130 độ C trong vòng 3-4 giờ (cùi nhãn teo còn khoảng 60-70%)
- Giai đoạn 2: Sấy ủ 70 độ C trong vòng 3-4 giờ
- Giai đoạn 3: Sấy ủ 50 độ C trong vòng 17 giờ
- Khi kiểm tra thấy long nhãn đã khô, khi để nguội không dính vào nhau thì đóng gói hút chân không hoặc đóng hộp dán màng seal đưa vào kho lạnh bảo quản ở nhiệt độ từ 6-12 độ C.
Long nhãn nhục
- Vị ngọt tính ấm, quy kinh tâm, tỳ.
- Công dụng: Bổ tâm tỳ, trợ khí, dưỡng huyết, an thần, ích trí.
- Chủ trị: kém ăn, mất ngủ, hồi hộp, hay quên, sắc mặt nhợt nhạt do tâm tỳ hư yếu.
- Kiêng kỵ: Âm hư nội nhiệt, phụ nữ thai nhiệt, trung tiêu đờm hỏa, thấp nhiệt không nên dùng, hoặc nếu dùng phải kết hợp với các vị thuốc khác. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, đường huyết cao nên phối hợp với: hoài sơn, sinh địa…
- Ai cũng biết Trung y trọng dụng long nhãn trong nhiều bài thuốc, tiêu biểu là Quy tỳ thang, Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông thường dùng long nhãn trong bài Nhị long ẩm (cao ban long + long nhãn nhục) để chữa rất nhiều các chứng bệnh.
- Với các bà nội trợ long nhãn không thể thiếu trong các món kem, chè, canh, cháo dưỡng sinh. Ngoài ra là món ăn vặt, trà uống tuyệt vời thay thế các loại bánh kẹo, nước uống công nghiệp.