Tên thường dùng: Vị thuốc Hải sâm còn gọi Hải thử, Đỉa biển, Sa tốn (Động Vật Học Đại Từ Điển).Loài có gai gọi là Thích sâm, loài không có gai gọi là Quang sâm, loài lớn mà có gai gọi là Hải nam tử (Cương Mục Thập Di).
Tên tiếng Hoa: 海参
Tên khoa học: Strichobus japonicus Selenka.
Họ khoa học: Holothuriidae
Con hải sâm
Mô tả con hải sâm:
Hải sâm thường sống ở các vùng nước biển nông, dưới đáy nhiều cát, thân Hải sâm là một lớp thịt dày được cấu tạo theo dạng hình ống, phía ngoài có nhiều u, bướu sần sùi trông như một con đỉa, vì vậy người ta gọi Hải sâm là con đỉa biển, vì nó có tác dụng giống như sâm nhưng ở dưới biển nên gọi là Hải sâm. Hải sâm không có đầu đuôi riêng biệt, ở phần đầu, nơi chính giữa, có một lỗ nhỏ, đó chính là miệng của Hải sâm. Xung quanh miệng mọc rất nhiều tua nhỏ như những ‘cánh tay’, có tác dụng nắm bắt thức ăn và cho thức ăn vào miệng. Cứ mỗi mùa đông, nhiều loại động vật như Gấu, Chuột, Ếch nhái… đều ngủ trong hang hốc. Trong suốt thời gian ngủ hầu như chúng không ăn, và vận động ở mức thấp nhất. Riêng Hải sâm lại ngủ trong mùa hè. Vì sao vậy? Ta biết rằng, mọi sinh vật ở dưới biển, sinh sản và phát triển đều phụ thuộc vào sự thay đổi của nhiệt độ nước biển. Những sinh vật nhỏ hoặc sinh vật cấp thấp, thì lại càng rất nhạy bén đối với sự thay đổi của nhiệt độ nước biển. ban ngày khi bề mặt nước biển nóng ấm, các sinh vật này liền nổi lên trên mặt nước để bơi lội kiếm ăn, ban đêm về mặt nước biển lạnh dần, chúng lại lặn sâu để được ấm hơn. Đó là tập tính của một số sinh vật sống ở biển. Về mùa hè, lớp nước biển phía trên bị mặt trời chiếu suốt ngày nên nhiệt độ nhiệt độ luôn luôn cao so với lớp nước phía dưới. Hải sâm là loài động vật cấp thấp, chúng chịu nóng rất kém, vì vậy bắt đầu vào mùa hè, Hải sâm thường lặn dần xuống biển và không đám nổi lên nữa. Chúng hoàn toàn im xuống đáy biển suốt cả mùa hè, hầu như không ăn uống và bơi lội. Chỉ khi bắt đầu lập thu, thời tiết mát dịu dần Hải sâm mới thức dậy vànổi lên mặt nước kiếm ăn. Đó là câu hỏi tại sao, sau tiết Lập thu mới thấy Hải sâm xuất hiện.
Hai bên bao trùm cả hình dạng ngoài và cấu tạo của nhiều cơ quan bên trong. Cơ thể Hải sâm giống như qu tia.
Chân ống ở mặt bụng phát triển, có giác, giữa nhiệm vụ chuyển vận, còn chân ống ở mặt lưng tiêu giảm, không có giác. Có 5-10 xúc tu để bắt mồi, xúc tu giữa nhiệm vụ xúc giác, chúng không có mắt. Chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột, phần lớn phân tính, trứng và tinh trùng cùng ở một tuyến sinh dục, nhưng hình thành ở những thời gian khác nhau. Nó thường thải tinh trùng và trứng vào buổi tối, giống như một dải khói trắng phụt ra. Trứng thụ tinh và phát triển ở ngoài cơ thể, từ trứng phát triển qua giai đoạn ấu trùng hình tai có vành tiêm mao bơi trong nước, rồi qua dạng ấu trùng có 5 xúc tu (Có một số Hải sâm, nhất là các loài sống ở vùng cực, không qua giai đoạn ấu trùng sống tự do, trứng phát triển ngay trên cơ thể mẹ tới dạng con non. Có một số loài có khả năng sinh sản vô tính theo kiểu chia cắt cơ thể, rồi tái sinh lại phần thiếu hụt. Hải sâm thích sống trên nền đáy hoặc chui rúc tròng bùn, ở các bờ đá, đảo san hô, đá ngầm, cát bùn. Ở vùng có thức ăn phong phú Hải sâm ít đi động, nó rất nhạy cảm với nước bẩn. Khi bị kích thích mạnh trứng nôn toàn bộ ruột gan ra ngoài và cơ thể có thể tái sinh lại sau khoảng 9 ngày. Thức ăn chính là vụn hữu cơ, sinh vật tảo nhờ, trùng có lỗ, trùng phóng xạ, và các loài Ốc. Phân nhiều và có từng đoạn dài là dấu hiệu thăm dò vùng tập trung Hải sâm. Bờ biển Việt Nam đã biết có khoảng 50 loài Hải sâm. Trên thế giới có khoảng 40 loài để dùng làm thuốc và thức ăn.
Phân bố:
Ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác, Hải sâm từ lâu đã là món ăn quí. Vì thế mà nó được liệt vào ngang hàng với Sâm, thuộc (sơn hào hải vị) bổ, dùng cho giai cấp quí tộc thời phong kiến. Trên thị trường Hải sâm được bán dưới dạng khô và đã bỏ hết ruột. Ngày nay là loài xuất khẩu đắt tiền.
Phân biệt hải sâm:
Có nhiều loài Hải sâm, ở vịnh Bắc bộ Việt Nam phổ biến có các loại Leptopentacta typica Stichopus, Chloronotus holothuria Martensii, Protankyra Pseudodigitata.
1- Holothuria là giống gồm nhiều loài ở biển Việt Nam (hiện biết 11 loài), phổ biến nhất trong vịnh Bắc bộ là Holothuria martensil L sống ở vùng nước dưới triều, có 20 xúc tu. Ngoài ra còn gặp Sâm gai (Stichopus Varienatus), loại Sâm có giá trị kinh tế.
2- Loài có xúc tu chia nhánh. Ở vịnh Bắc bộ thường gặp các loài trong họ Cucumariidae, phổ biến ven bờ là Leptopentacta Tybica là loại Hải sâm nhỏ, có 10 xúc tu trong đó có 2 xúc tu nhỏ ở phía bụng.
3- Loài không có chân ống, hình dạng chung giống giun. Bờ biển sâu (10-50m) có đáy là bùn cát hay bùn nhuyễn, ở nước ta thường gặp Protankyra Pseudodigitata có 12 xúc tu.
Hầu hết được dùng với tên Hải sâm.
Mô tả dược liệu: Loại to mà dài, da không có gai là loại kém. Loại có màu đen thịt dính, da có nhiều gai là loại tốt và qúy.
Thu bắt, sơ chế: Ngư dân đánh bắt được thường đem phơi hay sấy khô dùng làm thuốc hay thực phẩm
Phần dùng làm thuốc: Nguyên cả con.
Bào chế hải sâm thành thuốc:
– Rửa sạch phơi khô, sấy giòn.
– Khi dùng ngâm nước cho mềm, xắt lát, phơi dòn, tán bột.
– Thu bắt về cạo rửa cho sạch bằng nước muối, lộn trong ra ngoài, rửa sạch, phơi khô, sấy giòn. Khi dùng ngâm vào nước cho mềm xong xắt mỏng 3-5 ly, sao với gạo nếp cho phồng vàng lên. Tán bột rồi kết hợp với các thuốc khác hoặc làm hoàn, hoặc nấu cháo ăn.
Bảo quản: Giữ kỹ, để nơi khô ráo, thỉnh thoảng phơi lại. Tránh ẩm mốc, sâu bọ.
Thành phần hóa học của hải sâm:
Trong hải sâm có 21,45% protein, 0,27% lipit, 1,37% gluxit và 1,13% tro, trong tro chủ yếu gồm canxi 0,118, photpho 0,22, sắt 0,0014, kali 0,07. Thành phần chủ yếu trong protein là acginin và xystin.
Tác dụng dược lý:
Kết quả nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy các chất lipit tổng hợp lấy từ các tế bào của động vật không xương sống ở biển có công dụng lớn trong việc phòng và chữa bệnh xơ vữa động mạch.
A. Manaxova (Đại học y khoa quốc gia Vladivoxtoc) đã phát hiện thấy việc đưa vào dạ dày những con thỏ bị xơ vữa động mạch nặng những chất lipit tổng hợp của hải sâm Viễn đông- Stichopus ịaponicus đã làm bình thường hóa quá trình trao đổi chất protit và lipit trong máu và gan của thỏ. Trong cơ tim và gan có sự tăng hoạt tính, hấp thụ ôxy tăng, có nghĩa là quá trình oxy hóa khử đã được đẩy mạnh. Bệnh xơ vữa động mạch đã thuyên giảm rõ rệt trong cơ thể các động vật bị bệnh.
Vị thuốc hải sâm
Tính vị: Vị ngọt, mặn. Tính ấm, Không độc.
Quy kinh: Vào 2 kinh tâm và thận
Công dụng: Hải sâm Bổ thận, ích tinh, tráng dương, tư âm, giáng hỏa.
Chủ trị: Hải sâm
+ Trị suy nhược thần kinh, bổ thận, ích tinh tủy, mạnh sinh lý, bổ âm giáng hỏa, tiêu đàm dãi, cầm giảm tiểu tiện, nhuận trường, trừ khiếp sợ yếu đuối.
Liều dùng: Thường dùng dưới dạng nướng dòn, nghiền thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 đến l0g, dùng nước nóng hay rượu để chiêu thuốc.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc hải sâm
Trị táo kết, bón do hư hỏa:
Dùng Hải sâm, Mộc nhĩ, xắt nấu chín, bỏ vào trong ruột heo nấu chín ăn.
Trị hưu tức lỵ (lỵ mãn tính):
Mỗi ngày sắc Hải sâm uống.
Trị các loại lở loét:
Hải sâm sấy khô, tán bột, bôi.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị thiếu máu:
Bài thuốc này là sự kết hợp giữa hải sâm và đại táo, có tác dụng cho các bệnh nhân bị thiếu máu, rất tốt cho chị em sau sinh. Dùng một lượng bằng nhau hải sâm và đại táo đã bỏ hạt, đem sấy khô rồi tán thành bột, uống ngày 2 lần mỗi lần 9g với nước ấm.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, suy nhược sút cân:
Dùng 20g hải sâm, 100g gạo nấu thành cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn. cháo hải sâm, nên ăn liên tục trong 1 tuần để có kết quả tốt
Táo bón do âm hư:
Hải sâm 30g, ruột già lợn 120g làm sạch, mộc nhĩ đen 15g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.
Đau lưng do thận hư:
Hải sâm có tác dụng bổ thận ích tinh do đó nó được dùng nhiều trong các bài thuốc giúp cho thận mạnh khỏe hơn. Trong trường hợp chữa đau lưng do thận hư, bạn có thể dùng 30g hải sâm, 60 xương sống lợn, 15g hạt hạnh đào. Ba thứ trên rửa sạch, hầm nhừ và ăn trong nhiều ngày.
Bổ thận, bồi bổ cơ thể sau suy nhược:
Bài thuốc dùng hải sâm hầm với thịt dê được biết đến như một món ăn ngon miệng vừa giúp bổ thận, bồi bổ cơ thể. Dùng trong các trường hợp thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu dắt, người cao tuổi suy nhược, chân tay lạnh.
Cách chế biến: Dùng 30g hải sâm, 120g thịt dê, cả hia thái lát, thêm gia vị nấu thành súp.
Hỗ trợ điều trị di tinh:
Hải sâm 50g, cật dê 1 đôi, kỷ tử 10g, đương quy 12g. Cho các vị trên vào nồi nấu chung cùng với 1 lít nước hầm đến khi nhừ. Ăn ngày 1 lần. Ăn liền 1 tuần.
Bổ khí huyết, hạ huyết áp:
Nguyên liệu bao gồm: 50g hải sâm, 30g tỏi, 100g gạo, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Tất cả các nguyên liệu trên nấu nhừ thành cháo. Bệnh nhân nên ăn vào buổi sáng và ăn liên tục trong 7 ngày.
Hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh:
Cháo hải sâm gạo tẻ được biết đến là món cháo bồi bổ được dùng nhiều trong các trường hợp suy nhược thần kinh. Món ăn này có thể ăn thường xuyên. Dùng 30g hải sâm, 100g gạo tẻ. Hải sâm ngâm rửa sạch, thái lát, cho vào nồi nấu với gạo tẻ thành cháo. Nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Tham khảo
Kiêng kị:
Một lưu ý nữa là những người bị tiêu chảy, bị lỵ, viêm đại tràng cấp tính, hoạt tinh, người có thể tạng đàm thấp (mập phì) thì không nên dùng hải sâm. Theo đông y, khi đang dùng các đơn thuốc có vị cam thảo cũng không nên ăn hải sâm. Hải sâm là vị thuốc quý được sử dụng chế biến các món ăn bổ dướng cũng như trị bệnh. Người mua nên chọn những địa chỉ có uy tín, đảm bảo chất lượng để mua được vị thuốc tốt.