Hiểu đúng về “Côn trùng gây hại” và “Thiên địch”
Chắc hẳn ai trong chúng ta, dù không phải là một người làm nông nghiệp, cũng đã ít nhiều quen thuộc với những khái niệm: Côn trùng gây hại và Thiên địch của chúng. Thế nhưng, liệu chúng ta có thực sự hiểu đúng về những sinh vật này?
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có một góc nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về “Côn trùng gây hại” và “Thiên địch”, làm rõ mối quan hệ, vai trò của chúng với ngành nông nghiệp hiện đại và con người, đồng thời đưa ra gợi ý cho một cách tiếp cận nông nghiệp xanh, hòa hợp và bền vững với tự nhiên.
1. Khái niệm “Côn trùng gây hại” và “Thiên địch”
Theo cách hiểu thông thường:
– Côn trùng gây hại: Gồm các loài côn trùng hoặc ấu trùng của côn trùng (sâu). Chúng hút nhựa cây, ăn /lá/thân/rễ/quả của cây hoặc ký sinh trên cây, lan truyền các tác nhân gây bệnh cho cây,… do đó gây thiệt hại, làm giảm năng suất hoặc phá hủy mùa màng, cây trồng.
VD: Sâu xanh bướm trắng ăn lá cây họ cải; Nhện đỏ son hút nhựa trên cây đậu; Bọ trĩ hút nhựa trên cây dưa chuột và lan truyền vi khuẩn, nấm gây bệnh cho cây; v.v…
– Thiên địch: Là “Kè thù tự nhiên” của các loài côn trùng gây hại và các loài sinh vật gây hại cho mùa màng, cây trồng. Chúng ăn hoặc ký sinh hoặc gây bệnh cho các sinh vật, các loài côn trùng gây hại,… do đó góp phần bảo vệ mùa màng, cây trồng.
Theo các tài liệu, giáo trình về nông nghiệp hiện nay, có 2 cách phân loại thiên địch chính là phân loại theo giới/loài (thiên địch thuộc giới động vật và thiên địch thuộc giới nấm) và phân loại theo tập tính sinh trưởng (thiên địch bắt mồi và thiên địch ký sinh).
VD: Nhện bắt mồi ăn nhện đỏ son; Bọ xít săn mồi hút dịch các loại sâu hại; Ong bắp cày đẻ trứng ký sinh vào sâu đục thân; v.v…
Lưu ý: Các loại nấm được phân loại vào Giới nấm; Các loài vi khuẩn thuộc Giới sinh vật nguyên sinh. Xem thêm tài liệu về phân loại các giới sinh học tại https://vi.wikipedia.org/, tra cứu: Giới (sinh học). Cũng theo Wikipedia, Vi sinh vật là những sinh vật đơn bào hoặc đa bào nhân sơ có kích thước rất nhỏ, không quan sát được bằng mắt thường mà phải sử dụng kính hiển vi. Thuật ngữ vi sinh vật không tương đương với bất kỳ đơn vị phân loại nào trong phân loại khoa học. Nó bao gồm cả Vi khuẩn (bao gồm cả Cổ khuẩn), nấm, tảo và động vật nguyên sinh.
Các loại Thiên địch là một chủ đề lớn và đa dạng cách tiếp cận nên chúng tôi sẽ làm rõ với bạn đọc ở một bài viết riêng: Phân loại Thiên địch và ứng dụng của chúng trong nông nghiệp xanh.
2. Mối quan hệ giữa “Côn trùng gây hại”, “Thiên địch” và con người
Để có thể hiểu một cách toàn diện và đúng đắn hơn về côn trùng gây hại và thiên địch, chúng ta hãy cùng xem xét lại lịch sử ngành nông nghiệp của loài người.
Khoảng từ năm 9500 nghìn năm TCN, con người đã đem các loại hạt giống, các loại thực vật hoang dại mà có thể ăn được từ những cánh rừng sâu, những mảnh đất hoang sơ về gần nơi trú ngụ và bắt đầu canh tác. Lúa gạo được thuần hóa ở Trung Quốc vào năm 6200 TCN với cách trồng sớm nhất được biết đến từ năm 5700 TCN, tiếp theo là đậu xanh, đậu nành và đậu azuki.
Trong quá trình gieo trồng và canh tác, họ quan sát được có những loài sinh vật ăn rau màu của họ và cũng có những loài ăn thịt những loài đó. Con người dĩ nhiên không muốn thức ăn của mình bị phá hoại và vì thế họ đặt cho những sinh vật “ăn chay” cái tên sâu hại (loài gây hại, có hại) và những sinh vật “ăn thịt” cái tên thiên địch (kẻ địch của sâu hại được trời sinh). Và cách gọi này vẫn phổ biến đến ngày nay. Chúng ta đã quên một điều rằng chính chúng ta cũng ăn rau màu và cả những loài động vật khác.
Tự nhiên kỳ diệu luôn luôn tạo ra sự cân bằng, các loài sinh vật vừa đấu tranh vừa phụ thuộc vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Trong tự nhiên, không có một sinh mệnh nào có thể tồn tại độc lập. Cây cối, côn trùng, mọi loài sinh vật khác và con người – chúng ta đều nằm trong chuỗi thức ăn của tự nhiên và mỗi cá thể đều là một mắt xích quan trọng, đóng góp một vai trò nhất định không thể thay thế được của hệ sinh thái.
Vậy thì bản chất không hề có “côn trùng gây hại” và “thiên địch”, chúng đơn giản là những sinh vật sinh sống nhờ vào hệ sinh thái cây trồng mà con người đã tạo ra. Trên thực tế thì dù con người có trồng cây hay không thì những loài sinh vật này vẫn luôn luôn tồn tại và phát triển song song cùng với các loài thực vật trong tự nhiên.
Cách chúng ta tách các loài thực vật ra khỏi hệ sinh thái tự nhiên của chúng để canh tác đã làm suy yếu khả năng sinh trưởng, kháng sâu bệnh và phát triển tự nhiên của chúng. Cũng chính vì thế, nhằm đảm bảo duy trì và tăng năng suất cây trồng, các loại phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật mới được phát minh và ngày càng trở nên phổ biến.
3. Tác động của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học lên “Côn trùng gây hại”, “Thiên địch” và con người, môi trường
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, sự ra đời của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành nông nghiệp. Công việc của nhà nông trở nên “nhàn” hơn rất nhiều và tạo điều kiện để hình thành những mô hình làm nông quy mô lớn.
Nông nghiệp quy mô lớn, cơ giới hóa để máy móc thay thế con người như ở các nước phát triển Nga, Mỹ, Úc trở thành những mô hình tiêu biểu mà các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam hướng đến để học tập. Thế nhưng, mặt trái của nó là sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đất đai bị cày xới, bị thoái hóa nhanh hơn và sau đó là hiện tượng sa mạc hóa, không còn khả năng tự phục hồi.
Thuốc bảo vệ thực vật hay thực chất là thuốc độc với phổ tác dụng rộng không chỉ giết chết sâu bọ hay diệt cỏ dại mà còn giết chết hoặc gây tác động xấu tới cả thiên địch hay những loài sinh vật sinh sống xung quanh khu vực canh tác. Không những thế còn gây ngộ độc, ung thư và 1 số chứng bệnh khác cho cả người làm nông nghiệp và người sử dụng nông phẩm.
Bên cạnh đó, xét về khía cạnh hiệu quả diệt trừ sâu bệnh, thuốc trừ sâu sẽ không bao giờ có được hiệu quả trong thời gian dài. Quần thể côn trùng/sinh vật gây hại với đặc tính sinh sản nhanh và nhiều tạo điều kiện cho những dạng đột biến có khả năng sản sinh các enzyme phân giải độc tố (kháng thuốc) xuất hiện nhanh chóng sau vài vụ phun cùng 1 loại thuốc. Do vậy, các loại thuốc trừ sâu, diệt bọ luôn được sản xuất theo xu hướng có độc tính và liều lượng độc tố tăng dần, cùng với đó là các tác hại của chúng cũng vì thế mà tăng lên.
Phân bón, dù là phân bón hóa học hay phân bón hữu cơ, nếu lượng bón dư thừa cũng đều gây ảnh hưởng tới môi trường, tới toàn bộ hệ sinh thái chứ không riêng gì cây trồng.
Masanobu Fukuoka (nhà khoa học nông nghiệp bỏ nghề về làm nông vô canh) giải thích về điều này trong cuốn Cuộc cách mạng một – cọng – rơm rằng: “Khi phân hóa học vãi xuống đất, cây cối chỉ hấp thụ được một phần, phần còn lại sẽ đi vào môi trường, các hợp chất nito khi theo nước mưa ra biển sẽ khiến các loài tảo hấp thu và phát triển mạnh gây ra thủy chiều đỏ.”
Trong cuốn Quả táo thần kỳ của Kimura, Kimura – người được mệnh danh là đàn ông trồng táo ngon nhất Nhật Bản mà ai cũng muốn được ăn táo do ông trồng ít nhất 1 lần trong đời, có nói: “Cái gọi là phân bón, dù đó là phân bón hóa học hay phân bón hữu cơ, khi cung cấp dinh dưỡng thừa cho cây táo cũng là một nguyên nhân khiến sâu bọ tập trung lại. Nếu bón phân, chắc chắn quả táo sẽ dễ dàng to ra. Thế nhưng, nếu xem xét từ góc độ của cây táo, vì có thể dễ dàng nhận được dinh dưỡng, thành ra cây không cần phải mọc len lỏi rễ thật sâu trong đất nữa. Nó sẽ giống như đứa trẻ chẳng vận động mấy mà được cho ăn thừa thãi.”
4. Xu hướng phát triển của nông nghiệp sạch – nông nghiệp thuần tự nhiên
Hiều được đúng đắn về bản chất của “côn trùng gây hại”, “thiên địch” và tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón là một chuyện. Thế nhưng, nếu không diệt tận gốc côn trùng, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… thì phải làm sao để duy trì năng suất, chất lượng cho cây trồng? Nông nghiệp thuần tự nhiên sẽ đem đến cho bạn đáp án thỏa đáng.
Sự thành công của nông nghiệp thuần tự nhiên đã được chứng mình không phải chỉ ở Nhật Bản mà còn cả ở nhiều nơi trên thế giới và thậm chí là ở Việt Nam. Nông nghiệp thuần tự nhiên không chỉ giúp bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người mà thực tế còn giúp tăng chất lượng, sản lượng cây trồng; tiết kiệm chi phí do không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(Bạn đọc có thể tự tìm hiểu những tài liệu, dẫn chứng người thật việc thật ở phần gợi ý được đưa ra cuối bài viết này)
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đưa ra một số gợi ý để bạn đọc tham khảo nhanh và nắm được các nguyên tắc cơ bản của phương pháp làm nông nghiệp thuần tự nhiên này:
– Không cày xới đất: Việc cày xới khiến đất bị thoái hóa, giết chết các sinh vật và làm hỏng kết cấu đất. Bên cạnh đó, xới đất cũng làm những hạt mầm hoặc rễ cỏ dại nằm dưới lớp đất sâu trồi lên phía trên, tạo điều kiện cho cỏ dại nảy mẩm trở lại, phát triển hơn cây trông chính.
Trong đất tự nhiên luôn có các loài động vật như giun đất, vi sinh vật, rễ cây các loại cỏ và chúng sẽ làm tơi xốp, giữ độ ẩm, nhiệt độ phù hợp của đất một cách tự nhiên.
– Không dùng phân bón: Như đã nói ở trên, việc sử dụng phân bón không tốt cho cây trồng, đất đai và cả hệ sinh thái, mà ngược lại sẽ khiến cây trồng phụ thuộc vào phân bón, đất đai bạc màu theo thời gian và ảnh hưởng hệ lụy tới môi trường, hệ sinh thái.
Đất đai sẽ tự màu mỡ nếu con người đảm bảo được chu kỳ sinh sống của vi sinh vật, động vật trong đất. Luân canh cây trồng vẫn luôn là một phương pháp được khuyến khích sử dụng. Tận dụng rơm rạ/trấu/lá cây rải rối (không xắt nhỏ, rải đều mà rải tự nhiên như khi cây lúa tự đổ xuống, lá cây tự rụng) lên ruộng có thể làm tăng độ màu và tơi xốp cho đất một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng phân xanh (phân hữu cơ tươi không ủ hoai) với liều lượng vừa phải để cải tạo đất cằn trong thời gian đầu mới chuyển từ canh tác thông thường sang nông nghiệp thuần tự nhiên. Bạn đọc có thể dùng phân chuồng (phân gà, vịt, bò,…) để làm phân hủy rơm rạ, trấu.
– Nói không với thuốc bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu):
Rễ của các loài cây cỏ dại góp phần giúp đất tơi xốp, màu mỡ và là môi trường sống của hàng triệu sinh vật. Thay vì tìm cách tiêu diệt cỏ dại, bạn đọc có thể kiểm soát cỏ dại bằng cách dùng rơm để phủ và trồng xen cỏ ba lá (hoặc 1 vài giống cỏ bản địa tùy từng khu vực) với các cây trồng chính. Việc xả nước tạm thời ở các ruộng lúa cũng là cách tốt để kiểm soát cỏ dại. Thêm nữa, để hạn chế sự phát triển của cỏ, bạn đọc nên chú ý gieo hạt trong khi cây đang chín dần. Điều này nhằm giúp những hạt giống được gieo sẽ nảy mầm và phát triển trước cỏ dại.
Sử dụng biện pháp đấu tranh sinh học thay vì sử dụng các chất hóa học để tiêu diệt côn trùng gây hại cho cây trồng và giết chết hoặc gây ảnh hưởng xấu tới cả thiên địch (côn trùng và các loài sinh vật khác có ích cho cây trồng), môi trường. Tuy nhiên, việc nhân nuôi và thả thiên địch cần được nghiên cứu kỹ lượng và thử nghiệm trước khi phổ biến diện rộng trong thực tiễn bởi bất kỳ sự can thiệp nào của con người vào tự nhiên cũng dễ gây ra sự xáo trộn trật tự, mất cân bằng trong hệ sinh thái.
Sử dụng bẫy đèn, bẫy vàng, bẫy Pheromone (hỗn hợp các hóc-môn giới tính, tạo ra loại mùi thơm đặc trưng giống cái của một số loài côn trùng), bẫy nước quả lên men (muốn hạn chế côn trùng gây hại cho cây ăn quả gì thì dùng quả của cây ấy lên men) để thu hút các loài gây hại cho cây trồng.
– Không cắt tỉa: Nếu chúng ta gieo trồng đúng cách từ đầu thì bản thân cây cối sẽ tự có khả năng mọc cân đối với ánh sáng và không va chạm lẫn nhau mà không cần cắt tỉa. Tuy nhiên, khi muốn chuyển từ vườn cây cắt tỉa thường xuyên sang vườn cây không cắt tỉa, trong thời gian 1 vài vụ đầu, có thể cắt tỉa theo hình dáng các đường vân lá. Bởi vì hình dáng các đường vân lá sẽ tương đồng với hình dáng của rễ cây – cách cây mọc để lấy được chất dinh dưỡng và ánh sáng tối ưu nhất.
– Để tự nhiên làm công việc của nó: Sử dụng giống bản địa giúp cây trồng sinh trưởng tốt nhất trên vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; Trồng rau, cây ngắn ngày mùa nào thức ấy, không trồng trái mùa; v.v…
Lưu ý: Đối với các vườn cây trồng theo canh tác thông thường, để có thể chuyển sang canh tác tự nhiên (hoặc bán tự nhiên) ngay là rất khó. Cây trồng vốn đã quen được bón phân, phun thuốc, cắt tỉa,… sẽ yếu đi, bị sâu bệnh, giảm năng suất hoặc thậm chí là chết. Do đó, đối với những trường hợp như vậy, chúng ta nên có những thay đổi dần dần bắt đầu từ việc cải tạo đất theo hướng tự nhiên, cắt giảm sử dụng mọi loại chất hóa học trên ruộng vườn,… và áp dụng linh hoạt các nguyên tắc cơ bản nêu trên để có được hiệu quả tốt và giảm tối đa thiệt hại cho cây trồng trong thời gian đầu thực hiện chuyển đổi.
Cảm ơn bạn đọc đã đi đến những dòng cuối của bài viết này. Hy vọng bạn đã có cho mình những tri thức bổ ích về “côn trùng gây hại”, “thiên địch” và nông nghiệp thuần tự nhiên.
Nông nghiệp thuần tự nhiên mang đến sức khỏe, sự hòa hợp và cả triết lý sống cho người làm nó. Để thực hiện nông nghiệp thuần tự nhiên, chúng ta cần nắm rõ và tôn trọng các quy luật của tự nhiên, mối quan hệ giữa các loài sinh vật trên vườn uộng, cây trồng và cỏ dại, con người và môi trường,… Dù không hề đơn giản nhưng đây vẫn là một loại hình nông nghiệp rất đáng để nhân loại hướng đến, vì một nền nông nghiệp xanh và bền vững, vì sức khỏe cộng đồng và sự sống hài hòa trên trái đất này.