Chỉ thiên

Tên khác: Còn gọi là cỏ lưỡi mèo, địa đảm đầu, địa đảm thảo, bồ công anh, khổ địa đảm.

Tên khoa học: Elephantopus scaber L. Thuộc họ Cúc Asteraceae

Tên thông thường của cây này là chỉ thiên, tuy nhiên tịa một số vùng Nam Bộ và Trung Bộ người ta gọi là cây lưỡi mèo, một số người miền nam dùng với tên bồ công anh.

Cây Chỉ thiên

Mô tả:

Cây chỉ thiên

Chỉ thiên là loài cỏ mọc hoang, sống dai, thân cao chừng 20-50cm, nhiều cành, gần như không có lá, cả cây có lông. Lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất. Phiến lá dài chừng 6-12cm, rộng 3-5cm, hình thìa, có lông trắng ở cả hai mặt, mép có răng cưa lượn sóng, phía dưới hẹp lại thành cuống rộng ôm vào thân. Lá ở thân nhỏ và hẹp hơn lá ở gốc. Hoa màu tím, mọc thành xim, có đầu giả. Quả hình thoi, có 10 cạnh lồi.

Mùa hoa quả: tháng 1-8. Có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Khi dùng cần chú ý vì do trùng tên, cây Chỉ thiên (thổi lửa) nói ở đây dễ bị lẫn với cây “Chỉ thiên giả”, cũng gọi là “Tiền hồ nam”, tên khoa học là Clerodendrom inducum (L.) O Ktze, họ Cỏ roi ngựa, thường dùng làm thuốc bổ, đắng, tiêu đờm, Chữa ho và trừ giun. Mùa hoa quả: Tháng 1 – 8. Có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Phân bố:

Cây chỉ thiên rất phổ biến ở Việt Nam , từ Nam đến Bắc. Thường mọc hoang ở ven đường cái hay ở những bãi cỏ khô.

Còn mọc ở nhiều nước châu Á-miền Nam Trung Quốc, Malaixia, Philipin, Ằn Độ, Inđônêxya, Miến Điện, Thái Lan v.v..

Thành phần hóa học:

Ít thấy tài liệu nghiên cứu. Từ rễ chỉ thiên, người ta đã chiết được một tinh thể không màu có tính chất glucozit. Không có ancaloit. Hoạt chất chưa rõ. Vị thuốc

Vị thuốc Chỉ thiên

Tính vị: Cây Chỉ thiên có vị đắng, tính mát

Qui kinh: Vào 3 kinh phế, tỳ và can.

Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khoan trung hạ khí, lợi tiểu, tiêu thũng.

Chủ trị: Cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, chảy máu mũi, ỉa chảy, vàng da, viêm thận phù thũng, ung nhọt, rắn cắn.

Liều dùng: 9 – 16g khô (hoặc 30 – 60g tươi) sắc lấy nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước xông rửa.

Kiêng kỵ: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng. Không dùng đối với bệnh thuộc “chứng hàn”.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Chỉ thiên

Chữa đái buốt, đái ra máu, sỏi, đái đục, nước tiểu lẫn chất nhầy:

Dùng cây chỉ thiên, rễ bấn đỏ, rễ vậy trắng, rễ cỏ tranh, cỏ bấc, thịt ốc nhồi – mỗi thứ một nắm; sắc nước uống (Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu).

Chú thích: Bấn đỏ còn gọi là “mò đỏ”, “vậy đỏ”, “xích đồng nam”; vậy trắng còn gọi là “bấn trắng”, “mò trắng”, “bạch đồng nữ”.

Chữa vàng da (thể dương hoàng):

Dùng cây chỉ thiên tươi, nhổ liền cả rễ 100-150g, nấu với thịt lợn ăn, dùng liên tục 4-5 ngày (Lĩnh Nam thảo dược chí).

Chữa bí đái:

Dùng cây chỉ thiên tươi 20-30g, sắc nước uống (Phúc Kiến trung thảo dược).

Chữa cước khí:

Dùng toàn bộ cây chỉ thiên tươi 30-60g, đậu phụ 60-120g; hầm lên ăn (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa nhiệt lâm (đái nhỏ giọt, niệu đạo nóng buốt, …):

Dùng toàn bộ cây chỉ thiên tươi 120g, thịt lợn nạc 150-200g, muối một chút; tất cả cho vào nồi, sắc lấy nước, bỏ bã, chia thành 4 lần uống trong ngày (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương).

Chữa viêm họng, viêm amiđan:

Dùng chỉ thiên 10g khô, hãm với 300ml nước sôi trong nửa tiếng, chia ra uống trong ngày. Cũng có thể dùng lá tươi, nhai lẫn với chút muối, nuốt dần (Trung thảo dược tân y liệu pháp xử phương tập).

Chữa miệng, lưỡi viêm loét:

Dùng chỉ thiên 30g khô, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Thử nghiệm điều trị 22 ca, 18 ca khỏi; trung bình sau 3 ngày khỏi bệnh, sau 3 tháng khám lại không thấy tái phát.

Tác dụng phụ: Trong bụng có cảm giác hơi khó chịu; người già và trẻ nhỏ dùng phải thận trọng (Trung dược đại từ điển).

Chữa môi lở sưng đau:

Dùng lá chỉ thiên tươi, rửa sạch, thêm chút muối, giã nhỏ, vắt lấy nước bôi hoặc đắp vào chỗ đau (Lãn Ông – Bách gia trân tàng).

Chữa mũi chảy máu:

Dùng cây chỉ thiên tươi 20-30g, nấu với một lượng thích hợp gan lợn, ăn gan và uống nước thuốc, dùng liên tục 3-4 ngày (Lĩnh Nam thảo dược chí).

Chữa ung nhọt độc mọc ở dưới nách:

Dùng toàn bộ cây chỉ thiên tươi, thêm chút muối và giấm, cùng giã nát đắp vào chỗ bị bệnh; nhọt đã mưng mủ vẫn chữa được (Y lâm tập yếu).

Chữa mụn nhọt, đinh râu:

Dùng lá tươi giã với giấm hoặc mẻ đắp (Sổ tay cây thuốc Việt Nam).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0975 04 03 06