Tên thường gọi: Ớt.
Tên khoa học: Capsicum frutescens L. (C. annum L.)
Họ khoa học: Thuộc họ Cà – Solanaceae.
Cây Ớt
Mô tả:
Cây bụi nhỏ cao 0,5-1m, phân cành nhiều. Lá nguyên, mọc đối, hình trái xoan nhọn. Hoa mọc ở nách lá, thường đơn độc, ít khi thành đôi. Ðài hợp hình cái chuông. Tràng hình bánh xe hay hình chuông, chia 5 thuỳ, màu trắng hay vàng nhạt. Nhị 5, bầu 2-3 ô. Quả mọng, có hình dạng, khối lượng và màu sắc khác nhau: thuôn, mảnh hẹp, tròn, màu đỏ, vàng, tím, xanh tuỳ thứ. Hạt hình thận dẹp.
Bộ phận dùng:
Quả, rễ, thân, cành – Fructus, Radix, Caulis et Ramulus Capsici Frutescentis
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Nam Mỹ châu (Brazil) được nhập từ lâu, nay phổ biến khắp nơi. Ta thường dùng quả làm gia vị, dùng tươi hay phơi khô. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
Thành phần hoá học:
Vỏ quả chứa alcaloid chính là capsaicine (0,2%) và sắc tố carotenoid là capsanthine (0,4), adenine, betaine và cholien. Quả chín đỏ chứa một lượng lớn vitamin C lên tới 200-400mg%.
Vị thuốc Ớt
Tính vị:
Quả ớt có vị cay, tính nóng;
Lá ớt có vị đắng, tính mát
Quy kinh: Quả ớt tác dụng vào 2 kinh Tâm và Tỳ.
Tác dụng:
Quả ớt có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện vị tiêu thực. Quả dùng trong có tính chất kích thích dạ dày, kích thích chung và lợi tiểu; dùng ngoài làm thuốc chuyển máu và gây xung huyết.
Lá ớt có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu.
Rễ ớt: Còn gọi “la tiêu đầu”, tính vị và có công dụng hoạt huyết tán thũng. Thường dùng chữa thủ túc vô lực (chân tay bải hoải), thận nang thũng thống (tinh hoàn sưng đau), tử cung xuất huyết cơ năng.
Cành ớt: Còn gọi “hải tiêu ngạnh”; tính vị tân nhiệt (cay nóng), có tác dụng trừ hàn thấp, tán ứ trệ. Dùng chữa phong thấp lãnh tý (đau xương khớp do lạnh), đông sang (tổn thương phần mềm do lạnh). Nói chung đều dùng ngoài: Nấu nước rửa.
Ứng dụng lâm sàng của Ớt
Chữa ỉa chảy ra toàn nước do bệnh lỵ:
Sáng sớm, lấy 1 trái ớt, bọc vào váng đậu phụ (đậu hủ bì, đậu hủ y) và nuốt.
Chữa sốt rét:
Dùng hạt ớt, mỗi tuổi dùng 1 hạt, tối đa 20 hạt: ngày uống 2 lần, chiêu bằng nước sôi; liên tục từ 3-5 ngày.
Chữa chân tay bải hoải, gần như liệt:
Rễ ớt 2 cái, chân gà 15 đôi (cắt từ trên đầu gối), lạc nhân 60g, hồng táo (táo tàu) 6 trái; nấu với nửa nước nửa rượu, chia ra ăn hết trong ngày. Rượu ớt
Chữa khớp xương đau nhức, chữa rụng tóc:
Dùng ớt 12g, ngâm trong 500ml rượu; sau nửa tháng có thể sử dụng. Thường dùng để chữa trị:
– Chữa khớp xương đau nhức do nhiễm lạnh hoặc đòn ngã tổn thương: Mỗi lần uống 15ml, hoặc lúc đầu uống 5ml, sau tăng dần lên 15ml, ngày uống 2 lần.
– Chữa rụng tóc: Ngày dùng bông thấm rượu ớt, bôi lên chỗ tóc rụng vài lần; có tác dụng kích thích cục bộ, xúc tiến tóc mọc.
Viêm tấy mô liên kết (phlegmona), dẫn đến loét:
Cho ớt vào chảo sao khô, nghiền mịn, rắc vào vết thương, ngày 1 lần.
Chữa tổn thương do lạnh giá (đông sang):
Dùng ớt sắc lấy nước rửa, hoặc nấu trong dầu thực vật (thành “dầu ớt”), bôi vào chỗ da bị bệnh.
Chữa cá trê đâm:
Dùng quả ớt chín, bẻ ra, rồi xát (chất cay) vào vết bị cá đâm, sẽ thấy giảm đau ngay (Kinh nghiêm dân gian ở An Giang).
Chữa đau thắt ngực:
Ớt trái 2 quả, đan sâm 20g, nghệ đen 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa bệnh vẩy nến:
Lá ớt cay 1 nắm to (1 nắm chặt tay và đem sao chín nhưng không cháy), tinh tre đằng ngà cạo lấy 1 bát, lá sống đời (lá thuốc bỏng) 7-9 lá, thiên niên kiện khoảng 300g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước chè, uống chừng 3 ấm là khỏi.
Đau bụng kinh niên:
Rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực, mỗi thứ khoảng 10g. Sao vàng, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa đau lưng, đau khớp:
Ớt chín 15 quả, lá đu đủ 3 cái, rễ chỉ thiên 80g. Tất cả đem giã nhỏ ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp sẽ mau khỏi.
Chữa mụn nhọt:
Lá ớt giã nát với ít muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau nhức, dễ vỡ mủ, mau lành.
Chữa khản cổ:
Dùng ớt làm thuốc súc miệng (dưới dạng cồn thuốc).
Chữa rắn rết cắn:
Lá ớt giã nhỏ, đắp vào vết thương cho đến khi hết đau nhức thì bỏ đi. Ngày đắp 1-2 lần cho đến khi hết đau. Thường chỉ 15-30 phút thì hết đau.
Chữa đau dạ dày do lạnh:
Ớt trái 1-2 quả, Nghệ vàng 20g, tán bột uống ngày 2-3 lần.
Tham khảo
Quả ớt dùng trị ỉa chảy hắc loạn, tích trệ, sốt rét. Lá ớt dùng trị sốt, trúng phong bất tỉnh và phù thũng.
Ở Thái Lan, quả được dùng làm thuốc long đờm trị giun ký sinh cho trẻ em và làm thuốc hạ nhiệt.
Ở Trung Quốc, quả dùng trị tỳ vị hư lạnh, dạ dày và ruột trướng khí, ăn uống không tiêu. Rễ dùng ngoài trị nẻ da. Lá trị thủy thũng. Hạt trị phong thấp.
Trong Tây y, thường được chỉ định dùng trong chứng khó tiêu do mất trương lực, lên men ruột, ỉa chảy, Kiết lỵ, nôn mửa không cầm được, xuất huyết tử cung, Thấp khớp, thống phong, thủy thũng, viêm thanh quản. Dùng ngoài Chữa ho co cứng, một số chứng bại liệt, đau dây thần kinh do khớp, Đau lưng, thống phong.
Cách dùng: Quả dùng uống trong với liều thấp (để tránh gây nôn mửa, ỉa chảy, viêm dạ dày và thận). Có thể dùng bột ớt 0,30g-1g trong 1 ngày, dạng viên, hoặc dùng cồn thuốc (1 phần ớt, 2 phần cồn 33), hoặc dùng 1-4g hàng ngày trong một pôxiô, hoặc dùng nấu ăn. Nếu dùng ngoài, dùng cồn thuốc tươi để bó hoặc dùng bông mỡ sinh nhiệt trong chứng đau thần kinh do thấp khớp hay ngộ lạnh. Lá giã nát vắt lấy nước cốt uống trị sốt, trúng phong bất tỉnh và trị rắn cắn (dùng bã đắp ngoài). Lá sao vàng sắc uống trị phù thũng. Ngày dùng 20-30g.
Đơn thuốc: Chữa cá trê đâm: Dùng trái ớt chín, đâm ra lấy chất cay chà vào vết bị cá đâm, sẽ giảm đau liền. (An Giang).