Hôm nay mình mời mọi người cùng tham khảo thêm về bệnh tăng men gan, một bệnh mà trong cuộc sống ngày nay rất dễ mắc. Ai cũng có thể mắc bệnh, nhất là cánh đàn ông chúng ta hay nhậu nhẹt mỗi chiều, để mọi người hiểu rõ cơ chế bệnh theo YHHĐ cũng như các bài thuốc của Đông y điều trị hiệu quả bệnh này, cùng với cách phòng ngừa bệnh tăng men gan. Vậy xin mời mọi người cùng đọc và nếu được thì hãy chia sẽ đến cho người thân, bạn bè cùng tham khảo nhé…Xin mời.
Men gan, điển hình là 3 loại có ký hiệu SGOT, SGPT, GGT, là thành phần gắn liền với cấu trúc của tế bào. Khi tế bào bị phá hủy, hoặc trong điều kiện bình thường khi đến thời điểm diệt vong, hay ngoài dự kiến do tác hại của bệnh, chẳng hạn vì viêm gan, thì men gan lọt vào máu. Nói cách khác, các chất này lúc nào cũng có mặt trong máu nhưng trong định mức bình thường nếu tế bào nguyên vẹn. Nếu vì lý do nào đó tế bào, đặc biệt là tế bào gan, bị hủy hoại hàng loạt, như trong trường hợp viêm gan, viêm đường dẫn mật… thì hàm lượng men gan khi xét nghiệm máu gia tăng. Càng nhiều tế bào tan xác, men gan càng cao. Men gan càng cao, mức độ viêm tấy trong gan càng trầm trọng. Chính vì thế mà thầy thuốc xét nghiệm men gan không chỉ để chấn đoán mà đồng thời qua đó đánh giá hiệu quả của liệu pháp cũng như tiên lượng tốt xấu của người bệnh. Trị bệnh khéo thì men gan trở về định mức bình thường. Chữa bệnh vụng về thì men gan càng lúc càng tăng!
Người bị tăng men gan tất nhiên phải được điều trị hiệu quả để thương tổn trong gan đừng tiến triển đến mức hết đường phục hồi. Đúng là không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp để điều trị viêm gan. Câu hỏi chỉ là có nên bơm thêm vào cơ thể đã mệt nhoài vì tình trạng viêm tấy trong gan các loại hóa chất để thêm áp lực cho lá gan?, vì dù đau, dù yếu thế nào thì gan cũng phải cố gắng biến thể hóa chất trong dược phẩm! Trái lại, trong trường hợp không quá khẩn cấp, liệu có nên dùng hoạt chất sinh học trong cây thuốc đã được nghiên cứu bài bản để vừa hạ men gan, vừa qua đó bảo vệ tế bào gan, thay vì mạnh tay chữa gan bằng dao hai lưỡi, lưỡi nào cũng bén ngót?
May mắn cho người bệnh là thầy thuốc ở khắp nơi đang đồng lòng trở về với kinh nghiệm của y học cổ truyền, với cây thuốc đã được tin dùng từ bao thế hệ. Họ tất nhiên đã không chọn thái độ như thế nếu liệu pháp không hiệu quả. Họ sở dĩ chú trọng vào dược liệu thiên nhiên vì bên cạnh hiệu năng là tính chất an toàn. Ai không muốn lành bệnh mà khỏi phải trả giá bằng phản ứng phụ? Chính vì thế mà bên cạnh dược liệu quen thuộc trong y học dân gian phương Tây như Atixô, Nhàu…, các cây thuốc Đông Y thuộc nhóm nhuận gan lợi mật như Linh Chi, Nhân Trần, Chi Tử, Hoàng Liên, Biển Súc…, đang đứng hàng đầu trên danh sách nghiên cứu của các công ty dược đại gia bên trời Âu Mỹ.
Xét nghiệm men gan nếu trở về định mức bình thường là dấu hiệu cho thấy lá gan ít nhiều đã được phục hồi. Hạ men gan trong trường hợp bệnh lý bằng cách vận dụng cây thuốc không chỉ nhằm chận đứng tiến trình thương tổn. Điều đó đồng nghĩa với mục tiêu ngăn ngừa xơ gan. Gan ngày nào chưa xơ, ngày đó ung thư gan còn rất xa ngoài ngõ. Đợi chi đến xơ gan rồi bó tay trong khi nhiều cây thuốc hạ men gan rất gần trong tầm tay?
Men gan cao
Men gan nằm trong tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa quan trọng đối với cơ thể, có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Men gan cao có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Trong hầu hết các trường hợp, nồng độ men gan chỉ tăng nhẹ tạm thời, nhưng nếu chế độ ăn uống nghỉ ngơi không hợp lý có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn. Men gan bình thường là men gan có các chỉ số xét nghiệm đạt:
– AST: 20 – 40 UI/L
– ALT: 20 – 40 UI/L
– GGT: 20 – 40UI/L
– Phosphatase kiềm: 30 – 110 UI/L.
Nếu chỉ số xét nghiệm men gan cao hơn từ khoảng 5 lần chỉ số bình thường thì được xếp vào mức độ nặng. men gan tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, nếu không được điều trị có thể dẫn tới xơ gan.
Những người có men gan tăng cao không nên quá lo lắng, có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng cũng không nên quá chủ quan, cần được điều trị theo chỉ định của thầy thuốc để men gan trở lại mức bình thường. Trong và sau thời gian điều trị nên chú ý nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng, không nên ăn mỡ động vật, các món ăn được chiên, rán xào gây ra mỡ gan và mỡ trong máu, khiến tình trạng men gan cao trầm trọng hơn.. Dinh dưỡng hợp lý giúp tế bào gan phục hồi.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc men gan tăng cao nhưng trong đó viêm gan là nguyên nhân chính. Nồng độ của men gan tăng thường tỷ lệ thuận với mức độviêm nhiễm của gan. Tuy nhiên đó mới là những gợi ý thông thường nhất bởi trong thực tế có những trường hợp viêm gan rất nặng nhưng nồng độ men gan trong máu tăng rất ít. Trong một số trường hợp khác việc gia tăng nồng độ men gan lại không liên quan gì đến gan. Tuy vậy nói một cách chung nhất thì sự thay đổi men gan là những dấu hiệu hữu ích trong chẩn đoán bệnh.
Một số nguyên nhân hay gặp làm tăng nồng độ men gan bao gồm những nguyên nhân tại gan và nguyên nhân ngoài gan như:
– Viêm gan cấp do bất kể nguyên nhân gì đều làm men gan tăng đặc biệt là tăng rất cao, gấp 7-8 lần trở lên.
– Viêm gan mạn tiên triển, viêm gan dẫn đến xơ gan do rượu, chất độc, thiểu dưỡng, ung thư gan.
– Tắc đường mật do giun, sỏi; viêm tụy, tắc ruột, viêm dạ dày cấp… cũng làm tăng men gan nhưng mức độ tăng không nhiều như trong viêm gan.
– Các bệnh truyễn nhiễm như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu… trong giai đoạn toàn phát cũng làm tăng men gan.
– Ngoài ra còn rất nhiều bệnh mạn tính khác hay do điều trị thuốc, chế độ ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu cũng làm thay đổi men gan so với bình thường.
Khi đã biết mình bị tăng men gan, bạn nên giữ gìn sức khoẻ, tránh làm việc quá sức và bước kế tiếp là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về bệnh gan mật để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh được sớm những biến chứng, đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi B.
Khi phát hiện thấy mem gan tăng cao thì cần phải theo dõi thường xuyên xem số lượng có thay đổi không và cũng nên làm siêu âm định lượng gan để biết được tình trạng của gan, ống dẫn mật. Trong trường hợp phát hiện tình trạng GGT tăng cao thì điều cần thiết là phải ngưng ngay việc uống rượu, bia và các loại nước uống có chất cồn, không hút thuốc lá, nếu xảy ra ở những người có tình trạng thừa cân béo phì thì nên kiêng cữ các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, nên dùng chế độ ăn bổ dưỡng nhiều chất đạm. Trong trường hợp cần thiết phải dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác thì cần phải báo cho bác sĩ biết mình đang có tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc có hại cho gan.
Bạn cần chú ý rượu là thức uống làm gan nhiễm độc (khi uống rượu, gan phải làm việc nhiều hơn để thải chất độc).
Điều trị hỗ trợ viêm gan mạn bằng thảo dược
Nước ta hiện nay có tỷ lệ người viêm gan mạn đang tăng rất nhanh so với các nước trên thế giới. Do vậy, những thầy thuốc Y học cổ truyền đang quan tâm nghiên cứu và ứng dụng các dược thảo để hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính và những vị thuốc có tác dụng làm giảm men gan. Bước đầu, cũng đã thu được những kết quả rất khả quan và đáng kích lệ.
Xin trích dẫn một số bài thuốc nam có tác dụng “nhuận gan, lợi mật, tiêu độc” dùng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan. Đã được áp dụng có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh viêm gan mạn, HbsAg (+), men gan cao. Người bệnh có thể sử dụng các thảo dược sau đây:
– Diệp hạ châu (Phyllanthus amarus). Mỗi ngày sắc uống khoảng 16–20g, hoặc dùng cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), lấy 8-16g cây khô, đem ngâm vào trong nước sạch một đêm, sau đó lọc bỏ bã, lấy phần nước trong uống mỗi ngày. Cả hai cây thuốc này đều có tác dụng giúp hạ men gan rất tốt và cần phải điều trị thời gian liên tục 1-3 tháng.
– Bồ công anh (Taraxacum mongolicum): có tác dụng lợi mật, giải độc và bảo vệ gan. Mỗi ngày sắc uống 100-120g cây khô, uống liên tục nhiều ngày.
– Rạ lúa nếp khô 40-80g, sắc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày, để chữa viêm gan siêu vi A.
– Rau má 40g; Kim tiền thảo 40g. Hai vị thuốc uống mỗi ngày, uống liên tục nhiều ngày. Cũng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan.
– Nấm linh chi 250g; can thảo bắc 200g. Hai vị thuốc tán bột, trộn đều. Mỗi ngày lấy 20-30g hãm uống thường xuyên.
– Chữa men gan tăng cao, kéo dài, dùng bài thuốc thành phần gồm có: Ngũ vị tử 200g; nấm Linh chi 200g; Đơn sâm 150g và Sài hồ bắc 100g. Tất cả các vị thuốc tán bột nhuyễn, trộn với mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 10-15g, ngày 2-3 lần với nước sôi nguội, mỗi liệu trình điều trị 1 tháng, uống liền 3 liệu trình.
Một số bài thuốc kinh nghiệm chữa viêm gan mãn tính:
+ Bài thuốc 1: Rau diếp cá 10-20g; rễ cỏ tranh 15-30g; cỏ Cứt lợn (Hy thiêm thảo): 8-12g; lá mã đề 8-12g. Tất cả các vị phối hợp tạo thành một thang thuốc, mỗi ngày sắc uống một thang. Uống liên tục từ 1-3 tháng.
+ Bài thuốc 2: Diệp hạ châu 12g; Sâm đại hành 10g; Nhân trần nam 10g; Thổ phục linh 06g; Rau má 10g; Trái dứa dại 10g; Chi tử 06g; Ngũ vị tử 08g; Cỏ mực 06g; Bạch thược 10g; Sinh địa 10g.
– Gia giảm: Nếu người bệnh có ăn uống kém thêm Đẳng sâm 15g, Hoàng kỳ 16g , nếu tiêu phân lỏng gia thêm Gừng khô 05g, sa nhân 05g, nếu vàng da nhiều tăng liều Nhân trần và chi tử. Nếu có nóng sốt thêm Sài hồ 08g.
– Cách dùng: mỗi ngày sắc uống 1 thang, lần đầu sắc cho khoảng 3 chén nước sắc còn 1 chén (200ml), lần 2 cũng sắc như lần trước, còn hơn ½ chén. Hoà chung hai nước lại với nhau, rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày. Dùng liên tục từ 1- 2 tháng.
Những thảo dược trên đây có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính, bảo vệ tế bào gan, đề phòng xơ hoá tế bào gan. Đây là bài thuốc đã được nhiều thầy thuốc sử dụng điều trị cho người bị nhiễm HbsAg(+) có cải thiện lâm sàng tốt, ít tác dụng phụ so với các tân dược điều trị viêm gan hiện nay trên thị trường.
Để việc điều trị bệnh viêm gan đạt được kết quả lâu dài, ngoài việc tuân thủ những y lệnh điều trị của bác sỹ. Người bệnh nên chú ý đến việc phòng bệnh:
– Trong thời gian điều trị bệnh người bệnh nên chủ động giữ tinh thần thoải mái, tránh những lo lắng buồn phiền thái quá về bệnh tật của mình.
– Nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, không nên lao động nặng nhọc quá sức. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên dùng các thức ăn dễ tiêu hóa như rau đậu, trái cây, sữa, cá thịt nạc cũng nên ăn vừa phải, hạn chế không dùng nhiều dầu mỡ. Không dùng nhiều chất kích thích cay nóng như ớt, tiêu, rượu bia, thuốc lá. Giai đoạn chức năng gan đã bị suy yếu, cần thận trọng dùng các thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau paracetamol, các thảo dược như Phụ tử, Nhũ hương, Tam lăng, Nga truật… Tất cả những loại thuốc này đều có thể gây hại cho người bị viêm gan mạn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến các thầy thuốc trước khi dùng.
– Cần tiêm phòng vaccin Viêm gan B cho những người có yếu tố nguy cơ và các trẻ sơ sinh. Đối với cộng đồng dân cư nếu những ai nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cần phải khám bệnh định kỳ để được xét nghiệm máu, từ đó có hướng điều trị và phòng chống kịp thời.
– Khi bệnh viêm gan mạn, nếu biểu hiện sụt cân, bụng to, phù chân, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được đánh giá tình trạng bệnh và điều trị thích hợp.
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm loại bỏ độc tố và chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Mỗi ngày trôi qua, gan dường như phải chịu thêm nhiều áp lực do sự tích tụ các độc tố tại gan gây nên.
Điều này khiến gan rất dễ bị tổn thương. Men gan tăng cao là triệu chứng xuất hiện rất sớm, báo hiệu lá gan cần được chăm sóc. Để đưa men gan về ngưỡng an toàn, bạn nên làm theo các bước sau:
1. Không uống bia rượu
Hay nói chính xác hơn là không dùng những đồ uống chứa cồn. Thông thường khi vào cơ thể, gan sẽ phải “xử lý” lượng chất cồn và đào thải chúng ra ngoài. Nhưng khi gan yếu hoặc lượng chất cồn quá nhiều thì điều ngược lại sẽ xảy ra, chất cồn sẽ “xử lý” gan, phá hủy tế bào gan. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên hạn chế uống bia rượu để bảo vệ lá gan. Đặc biệt khi gan bị viêm, men gan cao, người bệnh cần phải kiêng tuyệt đối bia rượu để giúp gan hồi phục nhanh đặc biệt là với bệnh nhân gan nhiễm mỡ .
2. Trao đổi với bác sĩ, dược sĩ về loại thuốc bạn đang sử dụng
Một số thuốc có thể gây hại cho gan và làm tăng men gan. Có những thuốc có thể gây độc tố ngay ở liều đầu tiên, nhưng cũng có những thuốc do sử dụng trong thời gian kéo dài nên gây tổn thương gan. Do đó, nếu bạn phát hiện men gan cao khi đang dùng một loại thuốc nào đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác.
3. Hạn chế ăn thực phẩm chế biển sẵn
Thức ăn nhanh rất tiện dụng và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên bạn không nên ăn chúng hàng ngày vì vấn đề sức khỏe. Thông thường trong các thực phẩm chế biến sẵn có chứa thêm chất bảo quản, chất phụ gia tạo màu, mùi vị…để tạo sức hấp dẫn cho khách hàng và bảo quản được lâu. Những chất hóa học tổng hợp này thường khó phân hủy và đào thải ra ngoài, nên tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt tại gan, gây nhiễm độc gan.
4. Tránh xa các độc tố môi trường (sơn tường, khói thuốc lá…)
Khói thuốc lá chứa nhiều độc tố không chỉ gây bệnh về phổi, mà còn hấp thu vào máu, chuyển hóa tại gan và gây tổn thương cho gan.
Trong thành phần của sơn (tường) có chứa nhiều dung môi hòa tan, dễ bay hơi trong không khí và nếu bạn thường xuyên hít phải loại dung môi này, nó có thể hấp thụ vào cơ thể, gây độc hại cho gan. Do đó, bạn nên học cách bảo vệ và tránh xa các độc tố này
5. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước rất có lợi cho gan. Uống nước giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và tăng cường khả năng hoạt động của các tế bào gan, giúp quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Để đạt được hiệu quả giải độc cho gan, mỗi ngày nên uống 2 lít – 2,5 lít nước, chia thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ nên uống từ 150 -200ml.
6. Giảm cân
Trong nhiều trường hợp tăng men gan là do lượng mỡ lắng đọng trong gan nhiều hơn bình thường, hay còn gọi là gan nhiễm mỡ. Theo nghiên cứu Dennis Lee, việc giảm 5 – 10 % cân nặng sẽ giúp bạn hạ thấp men gan và cải thiện sức khỏe nói chung. Bạn nên giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo và tăng khẩu phần rau quả chứa nhiều vitamin giúp gan đào thải độc tố tốt hơn.
7. Tập thể dục hàng ngày
Luyện tập thể dục hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn, mà còn giúp bạn cải thiện tuần hoàn máu. Gan cần cung cấp máu và chất dinh dưỡng liên tục để hoạt động tốt hơn.
BÀI THUỐC ĐÔNG Y CHỮA TĂNG MEN GAN
Đông y không phân thành bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: dương hoàng và âm hoàng.
Dương hoàng: biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quít, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn ọe, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ. Phép chữa là thanh nhiệt, lợi thấp.
Bài thuốc: nhân trần 30g, vọng cách 20g, chi tử 10g, vỏ đại (sao vàng) 10g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g, nghệ vàng 20g, mã đề 12g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g. Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7 – 10 ngày.
Âm hoàng: có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, trung vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt. Phép chữa là ôn hóa hàn thấp.
Bài thuốc: nhân trần 30g, vọng cách 20g, gừng khô 8g, quế thông 4g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g (sao), nghệ vàng 20g, củ sả 8g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g (sao). Sắc uống như bài trên.
Điều trị theo thể bệnh
1. Thể can nhiệt tỳ thấp: viêm gan có vàng da kéo dài. Người bệnh thường thấy đắng miệng không muốn ăn, bụng đầy trướng, ngực sườn đầy tức, miệng khô nhợt, đau nóng ở vùng gan, da sạm tối. Tiểu tiện ít, vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Phép chữa là thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng, kiện tỳ trừ thấp. Dùng một trong các bài thuốc:
– Nhân trần 20g, chi tử 12g, uất kim 8g, ngưu tất 8g, đinh lăng 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 16g, biển đậu 12g, rễ cỏ tranh 12g, sa tiền tử 12g, ngũ gia bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Nhân trần ngũ linh tán gia giảm: nhân trần 20g, bạch truật 12g, sa tiền12g, đẳng sâm 16g, phục linh 12g, trư linh 8g, trạch tả 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm: hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 8g, trư linh 8g, bạch đậu khấu 8g, kim ngân 16g, mộc thông 12g, nhân trần 20g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể can uất tỳ hư, khí trệ: hay gặp ở viêm gan mạn do viêm gan siêu vi. Người bệnh có biểu hiện mạn sườn phải đau, ngực sườn đau tức, miệng đắng, ăn kém, người mệt mỏi, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền. Phép chữa là sơ can kiện tỳ lý khí. Dùng một trong các bài thuốc:
– Rau má 12g, mướp đắng 12g, thanh bì 8g, chỉ thực 8g, uất kim 8g, hậu phác 8g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, biển đậu 12g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Sài hồ sơ can thang gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 8g, chỉ thực 6g, xuyên khung 8g, hậu phác 6g, cam thảo 6g, đương quy 6g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Sài thược lục quân thang: bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g, trần bì 6g, bán hạ 6g, sài hồ 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Tiêu dao tán gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, gừng sống 2g, uất kim 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể can âm bị thương tổn: người bệnh có biểu hiện đầu choáng, hồi hộp, ngủ ít, hay mê, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, táo bón, nước tiểu vàng, mạch huyền sác. Phép chữa là tư âm dưỡng can. Dùng một trong các bài thuốc:
– Sa sâm 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, thiên môn 8g, kỷ tử 12g, huyết dụ 16g, hoài sơn 16g, ý dĩ 16g, hà thủ ô 12g, tang thầm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Nhất quán tiễn gia giảm: sa sâm 12g, sinh địa 12g, nữ trinh tử 12g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu mất ngủ, gia toan táo nhân 10g; sốt hâm hấp gia địa cốt bì 12g, thanh hao 8g. Mạch môn là vị thuốc trị viêm gan mạn thể can âm bị thương tổn rất hiệu quả.
2. Thể khí trệ huyết ứ: hay gặp ở thể viêm gan mạn có kèm theo hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ. Người bệnh có biểu hiện sắc mặt tối sạm, môi thâm, lưỡi tím, lách to, người gầy, ăn kém, đại tiện phân nát, nước tiểu vàng ít, chất lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng dính, mạch huyền sác. Dùng một trong các bài thuốc:
– Kê huyết đằng 12g, cỏ nhọ nồi 12g, uất kim 8g, tam lăng 8g, nga truật 8g, chỉ xác 8g, sinh địa 12g, mẫu lệ 16g, quy bản 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Tứ vật đào hồng gia giảm: bạch thược 12g, đương quy 8g, xuyên khung 12g, đan sâm 12g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, diên hồ sách 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu lách to gia tam lăng 12g, nga truật 12g, mẫu lệ 20g, mai ba ba 20g.
Uống rượu nhiều và lâu ngày là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh của gan. Nên mong mọi người chú ý phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế đưa “cồn” vào gan nhé…
Lương y Nguyễn Hùng
Chủ biên Blog Sức Khỏe